29/08/2023 2:34 PM
Theo đại biểu, xây dựng chính sách nhà ở cần nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai. Từ đó, cần có một chính sách lớn về nhà ở đầu tiên nhằm ưu đãi những người mua nhà lần đầu.

Cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp đại biểu chuyên trách sáng 29/8, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đánh giá cao công tác chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bày tỏ tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai. Từ đó, cần có một chính sách lớn về nhà ở đầu tiên nhằm ưu đãi những người mua nhà lần đầu.

Hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần và theo tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu. Miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội. Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng đến 2 đến 3 lần so với lúc mua.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quochoi

Ông Hoàn nhấn mạnh phải xác định rõ là Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp, có chỗ ở không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội; cũng như nhà ở xã hội không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức.

Trước những thách thức đối với thị trường nhà ở trong thời gian tới về di cư từ nông thôn ra thành thị và già hóa dân số, đại biểu Hoàn đề nghị trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và trong Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỉ lệ di cư dân di cư để phát triển nhà ở cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội. Từ đó xác định sẽ dựng xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp.

Chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng”

Ông Hoàn tán thành với quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động tham gia phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân.

Đồng thời, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội. Cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua

Trong phần báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 Điều 78), còn có 02 loại ý kiến như sau:

Thứ nhất: Tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA.

Thứ hai: Đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình.

Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.

Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.