22/06/2023 9:30 AM
Đại biểu cho rằng cần có chế định cụ thể đối với đất thương mại dịch vụ trong luật Đất đai lần này để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi với các dự án luật khác khi triển khai.

Sáng 21/6, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) về đất thương mại, dịch vụ, Điều 10 về phân loại đất trong dự thảo luật quy định đây là loại đất thuộc nhóm đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, có mục đích sử dụng để xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại.

Nhấn mạnh đất thương mại, dịch vụ đóng một vai trò khá lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, khi hực hiện các dự án đầu tư tạo ra các sản phẩm bất động sản mới đang thu hút nhu cầu lớn ở cả trong nước và quốc tế như bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản văn phòng hoặc văn phòng kết hợp với ở…

Bên cạnh đó, đất thương mại, dịch vụ góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Đây là nguồn thu ổn định tại nhiều địa phương. Đất thương mại, dịch vụ cũng tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quochoi

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong tương quan so sánh với thể chế về đất ở, chính sách, pháp luật về đất thương mại, dịch vụ trong Luật Đất đai năm 2013 cũng như dự thảo luật sửa đổi lần này còn mờ nhạt.

Do đó, bà Mai Hoa cho rằng cần có chế định cụ thể đối với đất thương mại dịch vụ trong luật Đất đai lần này để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi với các dự án luật khác khi triển khai.

Cụ thể, theo đại biểu, Điều 47 về điều kiện bán công trình trên đất thuê trả tiền hàng năm là phải hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt. Với quy định này thì các chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch không thể kinh doanh bất động sản du lịch hình thành trong tương lai.

Điều này đi ngược lại với các quy định về việc bán bất động sản hình thành trong tương lai quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành và sẽ gây ra những vướng mắc nhất định cho các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh bất động sản”, đại biểu Hoa nêu vấn đề.

Đại biểu đề xuất sửa đổi Điều 47 theo hướng không nhất thiết phải hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch đối với những hạng mục có thể hình thành trong tương lai.

Liên quan đến quy định miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được quy định tại Điều 157 có loại trừ cho đất thương mại dịch vụ. Song, đại biểu đề nghị với những vai trò nêu trên, dự án luật không nên miễn giảm tiền sử dụng đất với loại đất này.

Trong khi đó, góp ý tại Điều 204 đề cập trực tiếp về đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản suất phi nông nghiệp, đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ là gì. Trong đó, phải làm rõ vai trò đất thương mại dịch vụ trong phát triển kinh tế hiện nay để có những chính sách phù hợp.

Không bỏ nguyên tắc "người bị thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ"

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu rõ, Luật Đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng nên đã thu hút sự quan tâm rộng rãi với cử tri. Cơ quan soạn thảo đã rất nỗ lực để tiếp thu đến 12.000.000 lượt ý kiến và bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW để hoàn thiện dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương. Ảnh: Quochoi

Góp ý về nguyên tắc đền bù, tái định cư, đại biểu cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, mục 7.1 giải thích về Điều 90 dự thảo Luật về nguyên tắc bồi thường tái định cư đã bỏ nội dung “người dân sau khi đền bù thì có điều kiện cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước”. Trong tờ trình lý giải rằng, việc bỏ nội dung này là do còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo đại biểu tỉnh Bình Dương, nội dung trong nghị quyết 18 Trung ương về chính sách đất đai không nên chỉ hiểu theo nghĩa đen là người dân phải có nhà to hơn, đường vào thênh thang hơn, thu nhập cao hơn.

Cuộc sống của người dân ở nơi mới có tốt hơn hay không cần nhiều chỉ số đánh giá như sống ổn định hơn, con cái được học hành chu đáo. Việc này cần thực hiện thông qua điều tra xã hội học bằng phương pháp phỏng vấn, ghi nhận ý kiến của người dân. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì sẽ bị vướng vào công tác đền bù và có nhiều ý kiến trái chiều, không xác định được như thế nào là người dân có cuộc sống tốt hơn.

Ông Huân cho rằng, do hiểu chưa đúng về vấn đề này nên dẫn tới Điều 95 quy định thu hồi đất nông nghiệp sau đó đền bù bằng nhà ở. Quy định trong dự thảo mới chỉ quan tâm tới thu nhập, chứ chưa quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

“Người dân được đền bù bằng nhà ở nhưng công việc hằng ngày không có sẽ khiến cuộc sống kém đi. Đến lúc nào đó, họ sẽ bán ngôi nhà được đền bù để lấy tiền tiêu và thành vô gia cư”, ông Huân phân tích.

Từ đó, ông Huân đề nghị Ban soạn thảo tìm hiểu một số dự án, nghiên cứu Nghị quyết 18 để giải thích lại cho cử tri để lấy ý kiến đồng thuận. Không thể vì một vài ý kiến mà bỏ nguyên tắc "người dân bị thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, bởi đây là bước đi thụt lùi".

  • Xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ

    Xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ

    Tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho biết, một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 18 là hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính đất đai, nghiên cứu, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.