Tiếp tục Kỳ họp thứ năm, chiều 23/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), thị trường bất động sản luôn "rình rập" các cơn "sốt nóng" hay "đóng băng". Việc này xảy ra thường xuyên theo chu kỳ, tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Nếu không được ngăn chặn sẽ gây lạm phát, khủng hoảng tiền tệ, tài chính, cao hơn là khủng hoảng kinh tế. Thực tế khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, người dân khốn đốn.

"Cử tri mong muốn sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này làm sao để "xóa bỏ tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất", làm sao để người nghèo không nghèo thêm vì bất động sản; làm sao để các thế hệ sau của chúng ta không vô vọng với ước mơ có được một ngôi nhà để ở", ông Khải nói.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam). Ảnh: Quochoi

Ông Khải đề nghị ban soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8 của dự thảo luật, xây dựng dày dặn hơn, cũng như thực tiễn đặt ra. Để đảm bảo chính sách của Nhà nước, đại biểu cho rằng cần có 4 yếu tố.

Thứ nhất là tính ổn định của chính sách; thị trường bất động sản có chu kỳ rất dài, dự án cũng rất dài nên tính ổn định của chính sách rất quan trọng.

Thứ hai, cần tạo được sự thuận lợi thông thoáng, động lực sau khi sửa đổi các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản.

Thứ ba, phải điều tiết lại phân khúc nhà ở. Hiện nay thị trường đang mất cơ cấu vì phân khúc đang đầu tư quá nhiều, “cục máu đông” cũng đang nằm ở đây. Trong khi nhu cầu nhà ở công nhân không định hướng, không điều tiết để dòng vốn đổ vào đây.

Thứ tư, phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời chủ động với tình trạng nóng lạnh của thị trường.

Theo ông Khải, dự thảo luật có nêu, Nhà nước có cơ chế, chính sách điều tiết khi thị trường biến động. Ông cho rằng, khi thị trường biến động mới điều tiết là đã chậm.

Lấy ví dụ về sự chủ động, ông Khải dẫn thành công tại Singapore. Để tránh tình trạng đầu cơ và mất cân đối thị trường, quốc gia này điều tiết thị trường bằng công cụ thuế. Theo đó, Singapore đánh thuế lũy tiến bất động sản, mua căn nhà thứ 2 phải trả thuế 7% giá trị bất động sản, 10% cho căn thứ 3. Nếu mua và bán bất động sản ngay trong năm đầu tiên mua, phải đóng thuế 16% và năm thứ 2 giảm còn 10% và sau 4 năm còn 0%.

Đối với ngân hàng. người dân càng mua nhiều bất động sản, mức được vay càng thấp. Chẳng hạn mua căn nhà thứ nhất được vay 80%, căn thứ 2 còn 60%. Các nhà băng thực hiện rất nhiêm túc chủ trương này, nếu làm sai sẽ bị chính phủ rút giấy phép. Sau khi áp dụng các chính sách trên, Singapore đã điều tiết được thị trường bất động sản và hầu hết người dân có thể sở hữu nhà.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đề nghị dự thảo bổ sung cơ chế đồng bộ hệ thống thông tin bất động sản với thông tin đất đai, phát triển đô thị; phát triển thị trường phải tính đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, cân đối cung cầu và tạo mặt bằng giá bất động sản phù hợp, khắc phục tình trạng đầu cơ; tăng cường không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các quy định có liên quan đến kinh doanh bất động sản, để bảo đảm hợp lý hơn, đại biểu Sang đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính bao quát nhưng không chồng chéo với các luật có liên quan. Nhất là trong việc đầu tư xây dựng bất động sản, nên để ngành xây dựng điều chỉnh.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.