CafeLand - Dư luận Đà Nẵng lại một lần nữa xôn xao khi khoảng 50 nhà đầu tư nhỏ tiếp tục “căng băng rôn đòi nhà đất” tại dự án Sunrise Bay (Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) vào sáng ngày 23/5/2020.

Tuy nhiên, cũng như những lần “đấu tranh” trước, vụ kiến nghị này lại một lần nữa đi vào bế tắc.

Trao đổi với CafeLand ngay khi vụ khiếu tố xảy ra, đại diện sở Xây dựng Đà Nẵng, đơn vị đang thụ lý những tranh biện quanh dự án Sunrise Bay, nhìn nhận đây thực sự là câu chuyện chưa thể tìm ra hồi kết hay tiếng nói chung cho mỗi bên, bởi những vướng mắc về mặt pháp lý, quy hoạch và cả tiến độ triển khai từ trước đến nay.

Khu quy hoạch Mặt trăng xanh giờ chỉ là bãi đất hoang tàn. Ảnh Nhạc Duy Hạ

Mặt trăng xanh hay vành trăng khuyết… tật?

Giới kinh doanh bất động sản Đà Nẵng dĩ nhiên biết đến dự án Sunrise Bay từ hơn 20 năm trước, khi đây mới là ý tưởng về một chương trình “lấn biển làm đô thị” đầu tiên ở Đà Nẵng, xuất phát từ nhà đầu tư Hàn quốc, với mong muốn tạo một “mặt trăng xanh” tươi đẹp ngay điểm giáp nối đầu biển cuối sông Hàn.

Vị trí doi đất Thuận Phước cuối vịnh Đà Nẵng được chọn làm điểm vẽ nên khung cảnh thơ mộng bao quanh bờ vịnh, với những công trình, cao ốc dân sinh hoàn chỉnh. Rất nhiều lời thơ đã được truyền thông cho dự án, hứa hẹn một tiềm lực mạnh mẽ của Đà Nẵng “nhìn về bờ đông”.

Đáng tiếc là những thăng trầm kinh doanh sau đó, rồi diễn biến lộ trình đầu tư khai thác khu vực bờ vịnh Đà Nẵng đã đẩy dự án này vào thế khó, ách tắc hơn 10 năm khi nhà đầu tư thất bại, phải chuyển nhà đầu tư khác.

Oái oăm là nhà đầu tư được Đà Nẵng chọn lại gây nên trường tranh luận còn ồn ào hơn, với hàng loạt vi phạm bị tố cáo, và rốt cuộc cả một dây người liên quan phải ra tòa.

Vụ án đất đai Vũ “nhôm” gần như đã đặt bản “cáo chung” cho ước mơ ngày nào, dù dự án đã được đẩy thêm một bước với cái tên mỹ miều Sunrise Bay.

Sau khi đại gia này vướng vòng lao lý, công tác thanh tra đất đai Đà Nẵng nóng lên, dự án mặt trăng xanh đã hóa tâm điểm tranh luận và với giới kinh doanh, “biến thành vành trăng khuyết… tật”.

Hơn 200 hộ dân đã nhận đất đầu tư nhà ở tại dự án này, và hàng trăm cá thể khác đặt tiền mua đất Sunrise Bay phải đối diện những “phán quyết” tưởng không liên quan đến họ, ở vụ án Vũ “nhôm”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, dự án đã được đặt yêu cầu “thu hồi” lại đất, mà không đề cập gì đến quyền lợi của các bên đã đầu tư. Việc này gây bức xúc với những hộ dân đã nhận nhà ở đây, khiến họ phải viết đơn kêu cứu khắp nơi hơn nửa năm qua.

Tiếp đó, các trường hợp đặt cọc đất Sunrise Bay không biết đến bao giờ nhận được giấy tờ lần lượt khiếu tố, kêu gọi chính quyền, các sở ngành hữu quan cùng chủ đầu tư gỡ khó cho họ, khi hàng trăm tỷ đồng được coi là “chìm trong dự án”.

Cả một khu vực quy hoạch đô thị đẹp đẽ, đến nay chỉ còn là bãi đất hoang tàn, rác thải gây ô nhiễm. Câu trả lời của giới chức vẫn là… chờ thanh tra, chờ nghị án.

Chưa có ánh sáng cuối đường hầm

Báo chí ra ngày 23/5/2020 lại ghi nhận hình ảnh các loại băng rôn, biểu ngữ của khoảng 50 nhà đầu tư trưng ra trước dự án Sunrise Bay. Nhiều nhà đầu tư bật khóc khi điểm lại hành trình tài chính bị chôn vùi, và mong được tháo gỡ.

Các nhà đầu tư giăng bảng đòi nhà sáng 23/5/2020 tại dự án Sun Risebay.

Ông Nguyễn An, một hộ dân đã nhận nhà tại dự án này, cho biết nhiều cư dân Đa Phước đang hoang mang, không biết mình sẽ đi về đâu khi vụ án Vũ “nhôm” vẫn lơ lửng. Dự án vẫn còn nghe tiếng kêu than của các chủ đầu tư chưa nhận đất, “thật sự chưa có ánh sáng cuối đường hầm”.

Lãnh đạo một cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường lúng túng khi nói về hướng xử lý dự án. Bởi theo ông, có quá nhiều khúc mắc đã xảy ra trong thời gian qua, biến những yếu tố pháp lý tưởng như chắc chắn nhất ở dự án này thành lung lay bất ổn.

Chính quyền Đà Nẵng đương nhiên phải chờ các quyết định thanh tra liên quan đến vụ án thâu tóm đất đai của Vũ “nhôm”. Nhà đầu tư đến nay, cũng không có khả năng tài chính hay vận động nào để thay đổi dự án.

Toàn bộ đất đai khu vực này “đóng băng” quy hoạch, dù ai cũng biết mỗi ngày qua, dự án nằm im là đồng nghĩa hàng chục tỉ đồng lợi nhuận đất đai tan biến theo nước biển dưới chân.

Một thành viên kiến trúc sư Đà Nẵng chia sẻ, bên cạnh những khung pháp lý về dự án, cộng đồng phải lưu ý đến yếu tố kỹ thuật tại vùng đất này. Đây là một lý do rất quan trọng khiến dự án chậm triển khai.

Khi các chủ đầu tư đề nghị xem xét vì sao việc cấp giấy tờ trì trệ, đã có nhà chuyên môn gợi ý, trả lời của cơ quan chức năng là dự án chưa có báo cáo thẩm tra, tác động môi trường chính thức. Điều này có nghĩa rằng, vùng Đa Phước sau khi lấn biển, chưa thể có thám sát đánh giá tác động môi trường chính thức nào cả.

Một thực tế phải nghĩ đến là nhà đầu tư hạ tầng sau động tác lấn biển cần để yên hiện trường vài chục năm, đợi xem phản ứng thiên nhiên ra sao, có ổn định không mới dám xác tín dự án sẽ bền vững trước sức mạnh đại dương.

Nếu vội vã đầu tư khai thác trên vùng lấn biển, ai có thể đoan chắc sau vài chục năm không có biến động gì bất ổn? Cho nên, dự án này sẽ vẫn phải nằm ở dạng chờ đợi đánh giá tác động môi trường trong nhiều năm tới nữa.

Hệ lụy kéo theo là khi nào cơ quan chức năng mới hội đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư an tâm đặt gạch xây nhà. Câu hỏi ấy vẫn còn rất mung lung.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.