05/07/2019 7:28 AM
CafeLand - Sự việc ba doanh nghiệp đồng loạt khởi kiện chính quyền thành phố Đà Nẵng về các sai phạm trong quản lý, quy hoạch đất đai đang khiến dư luận địa phương dậy sóng. Nhiều người dự báo con số này sắp tới sẽ còn tăng lên nữa, bởi đã từ lâu, nhiều đơn vị đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng phải đối diện những ách tắc về đất.

Cụ thể, bản báo cáo tình hình công tác sáu tháng đầu năm 2019 của Thành ủy Đà Nẵng công bố ngày 03/7/2019 cho biết, có ba doanh nghiệp đang có đơn kiện UBND thành phố Đà Nẵng về sai phạm trong thủ tục hành chính. Đó là Công ty cổ phần Thép Dana-Ý, Công ty cổ phần VIPICO, và Công ty cổ phần Hòn Ngọc Á Châu.

Thủ tục hành chính sai?

Theo phản ảnh của doanh nghiệp, quá trình quản lý, quy hoạch đất đai Đà Nẵng thời gian qua có nhiều sai phạm về hành chính, dẫn đến những hệ quả không tích cực cho nhà đầu tư. Họ đã cố gắng kìm nén và thương lượng giải quyết, nhưng đều không đạt ý nguyện. Quá mệt mỏi với những hệ lụy kéo dài, các doanh nghiệp đành chọn hướng phân xử tại tòa.

Công ty cổ phần Thép Dana-Ý cho biết, đã hơn 15 năm từ khi họ được địa phương hướng dẫn đầu tư vào cụm công nghiệp Thanh Vinh (Hòa Khánh mở rộng), để rồi chịu điều tiếng với người dân sở tại. Dù địa phương đã quy hoạch đây là khu công nghiệp, song chính quyền vẫn cấp giấy chứng nhận nhà đất cho các hộ dân đến sau.

Lô đất đấu giá trúng nhưng bị hủy kết quả của công ty VIPICO, buộc doanh nghiệp có đơn kiện chính quyền.

Hậu quả là nhà máy thép Dana-Ý tự nhiên lọt vào một khu dân cư đông đúc và bị nhìn nhận là đầu tư sai vị trí, gây ô nhiễm môi trường. Hai năm trước, chính quyền địa phương quyết định đình chỉ hoạt động doanh nghiệp. Nhà máy đình đốn, công nhân bỏ đi, chủ doanh nghiệp đành gởi đơn kiện ra tòa, đòi bồi thường tổn thất 400 tỉ đồng do quyết định hành chính oan ức.

Công ty VIPICO phản ảnh, đơn vị này đã đấu giá thắng lô đất A20 đường Võ Văn Kiệt (Sơn Trà, Đà Nẵng). Do trở ngại trong huy động vốn, VIPICO chỉ mới nộp được 50% giá trị tiền đấu giá vào hạn cam kết. Theo quy định, doanh nghiệp sẽ chỉ bị phạt vi phạm hạn đấu giá và buộc phải nộp đủ tiền, nhưng chính quyền địa phương lại hủy kết quả đấu giá, tịch thu tiền cọc. Không chấp nhận cách hành xử cứng nhắc trái quy định, VIPICO phát đơn khởi kiện.

Còn Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông cho biết đã tham gia dự án Khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu (Ngũ Hành Sơn. Đà Nẵng) từ năm 2008. Đến năm 2018, chính quyền Đà Nẵng ra quyết định thu hồi đất đã giao, nên doanh nghiệp này kiện.

Doanh nghiệp này cho biết, dù khó khăn, chậm triển khai dự án, song 10 năm qua, đơn vị vẫn luôn làm việc với địa phương và tuân thủ đầy đủ những quyết định điều chỉnh quy hoạch của chính quyền. Như vậy, việc chậm trễ dự án có liên quan đến việc thay đổi liên tục của địa phương.

Ở cả ba trường hợp, doanh nghiệp đều khẳng định bị các thủ tục hành chính gây khó khăn và trái quy định pháp luật, chỉ còn cách dựa vào phán quyết của tòa án để phân xử.

Không chỉ có ba đơn vị?

Điều đáng nói, theo phản ảnh của doanh nghiệp, tình trạng “uất ức từ đất” không phải chỉ có ba đơn vị này, mà rất nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng đều có tâm trạng tương tự.

Đơn cử mới đây, bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Giám đốc công ty cổ phần Cham Cham, phản ảnh bà có đầu tư một số lô đất tại Sơn Trà và Hòa Vang, cùng dự án nhà máy chế biến dược liệu và rượu vang từ hoa Atiso tại chân đèo Hải Vân. Mọi thủ tục đều đã xong, nhưng tám năm qua, đơn vị luôn bị trở ngại vì những yêu cầu hành chính về cấp phép xây dựng, triển khai hạng mục đầu tư.

Mới đây, doanh nghiệp xin đầu tư hoàn chỉnh nhà máy thì bị vướng giấy phép xây dựng khi cơ quan chức năng đánh giá công trình có vị trí sai thiết kế. Doanh nghiệp cho tháo dỡ các vị trí vi phạm, nhưng cơ quan quản lý lại trả lời… cần có ý kiến của thành phố. Quá mệt mỏi vì chờ đợi, bà Thủy cho biết sẽ nhờ luật sư tư vấn để khiếu nại địa phương.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Wei Xern Sin (100% vốn đầu tư Đài Loan, KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu), cho biết doanh nghiệp ông làm ăn tại Đà Nẵng từ năm 1993, đến nay đã được chấp thuận đầu tư nhà xưởng cho thuê, thủ tục giấy tờ đều có đủ. Nhưng năm 2016, thành phố Đà Nẵng đã thu hồi 11.000 m2 đất của doanh nghiệp mà không có quyết định chính thức.

Công ty Wei Xern Sin phản ảnh bị thu hồi trái phép 11.000 m2 đất đã thuê.

Khi doanh nghiệp khiếu nại cần làm rõ lý do bị thu hồi đất, và đề nghị nhận lại phần đất đã thuê, chính quyền Đà Nẵng im lặng, còn cơ quan quản lý thì kiến nghị đình chỉ hoạt động doanh nghiệp để khi chờ… xử kiện. “Chúng tôi không hiểu cơ quan chức năng dựa vào đâu để xử lý trái với các quy định pháp luật, và nếu chính quyền không trả lời thỏa đáng, chúng tôi sẽ kiện”, ông Hùng nói.

Thông tin từ các doanh nghiệp khác cho thấy, chính quyền Đà Nẵng sẽ phải đối mặt nhiều đơn kiện khác nếu không chấn chỉnh tình trạng quản lý và quy hoạch bất nhất hiện nay. Các vụ việc như dự án Marina Complex lấn sông Hàn, khu nghỉ dưỡng biệt thự Nam Ô hay khu vực bán đảo Sơn Trà… đều thể hiện sự lúng túng của địa phương trong việc quản lý, giám sát quy hoạch, làm ảnh hưởng cơ hội của nhà đầu tư và trực tiếp tổn thất tài chính, uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp.

Thụy Bất Nhi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.