CafeLand - Sau giai đoạn phát triển nóng với hàng loạt các khách sạn, khu nghỉ dưỡng... được đầu tư xây dựng, ngành du lịch Đà Nẵng hiện phải đối diện với thách thức dư thừa phòng và những hệ lụy kéo theo.

Hàng loạt khách sạn đã và đang mọc lên làm bội cung phòng nghỉ tại Đà Nẵng

Thực trạng đang diễn ra của Đà Nẵng, điểm đến du lịch lý tưởng ở miền Trung, là hoạt động kinh doanh khách sạn đang ngày càng thiên lệch “cung cầu”.

Cung vượt cầu

Theo giới kinh doanh khách sạn Đà Nẵng, trào lưu đầu tư khách sạn, resort trong thời gian qua đã bùng nổ và đang gây ra các hệ quả xấu.

Cụ thể, năm 2014, Đà Nẵng đón khoảng 3,8 triệu du khách cả nội địa và quốc tế, trong khi năng lực của ngành khách sạn tại Đà Nẵng có thể đón đến 8 triệu lượt. “Điều đó cho thấy lượng phòng khách sạn ở Đà Nẵng gấp gần 3 lần lượng khách đến, tính ra mỗi khách sạn chỉ sử dụng khoảng 30% công suất”, ông Trịnh Bằng Có, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận.

Điều này cũng phù hợp với một khảo sát về cơ sở lưu trú mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng vừa tiến hành. Theo đó, phần lớn ý kiến của các cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng được chọn khảo sát ngẫu nhiên, đều cho thấy đơn vị nào cũng lo lắng về tình trạng cung vượt cầu bởi hạ tầng lưu trú đầu tư quá nhiều.

Nhất là các khách sạn dưới 3 sao, chủ yếu đầu tư tự phát, thiếu thông tin thị trường, thiếu chuẩn bị nhân lực vận hành và kế hoạch kinh doanh. Không ít khách sạn mới đi vào hoạt động đã bộc lộ những hạn chế trong năng lực phục vụ, trình độ quản lý, dẫn đến việc kinh doanh kém hiệu quả.

Có giám đốc khách sạn bộc bạch, đơn vị đã giảm 20% giá phòng niêm yết trong mùa hè qua, mà vẫn không thể lấp đầy phòng trống. “Có khách sạn đến 3 sao ở ven biển cũng giảm giá còn 500 ngàn đồng/ngày trong mùa hè, thì làm sao các khách sạn ở khu trung tâm Đà Nẵng tồn tại được”, ông này than phiền như vậy.

Theo thống kê, Đà Nẵng đang có khoảng 435 cơ sở lưu trú, gồm khoảng 21 khách sạn 4 – 5 sao và tương đương, 50 khách sạn 3 sao, còn lại là các loại hình khác với tổng số 15.625 phòng. Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2015, Đà Nẵng sẽ còn có thêm 38 dự án lưu trú nữa đi vào hoạt động, cung cấp thêm 8.570 phòng, tạo nên một con số “dư dôi” khổng lồ.

Cần một giải pháp tổng thể

Giải thích lý do nhiều khách sạn cứ tự nhiên mọc lên, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, việc đăng ký kinh doanh loại hình này thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư cấp phép, việc xây dựng thuộc sở Xây dựng cấp phép; ngành du lịch chỉ nắm được dự án sau khi các cơ sở đã đầu tư.

“Cơ chế như vậy là có vấn đề, cần có sự phối hợp khác đi để các sở ngành quản lý cùng có tiếng nói chung trong phối hợp quy hoạch các cơ sở lưu trú trên địa bàn”, ông Trịnh Bằng Có nhận xét.

Đồng thời, theo một số đơn vị khách sạn, tình trạng thông tin dự báo thị trường của ngành quản lý du lịch Đà Nẵng cũng đang gặp vấn đề. Đó là địa phương thường căn cứ vào con số du khách đến trong những dịp lễ hội, sự kiện cộng đồng lớn để nhận định “thiếu cơ sở lưu trú”. Điều này thật sự gây lệch pha trong quan hệ thông tin cung cầu của thị trường, không chỉ làm nhà quản lý lúng túng mà các đơn vị đầu tư cũng hoang mang mơ hồ.

Ngoài ra, dù lượng cơ sở lưu trú, khách sạn tăng, nhưng thực chất hệ thống dịch vụ du lịch của Đà Nẵng vẫn kém phong phú, chưa hiệu quả, càng làm giảm cơ hội thu hút du khách đến địa phương quanh năm. Theo đó, tình trạng lệch cung cầu về lưu trú khách sạn tại Đà Nẵng càng lớn hơn.

Hàn Giang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.