02/12/2015 9:31 PM
Ngày 1-12, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản do ông Chu Phạm Ngọc Hiển (Thứ trưởng Bộ TN&MT) dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), tính đến ngày 15-9, các ngân hàng đã cho và cam kết cho 403 khách hàng vay 107 tỉ đồng để xây dựng và mua nhà ở theo gói 30.000 tỉ đồng.
Ông Tuấn cho biết tốc độ giải ngân chương trình cho vay nhà ở xã hội còn chậm do quy định nhà ở xã hội không được chuyển nhượng trong vòng năm năm nên không đáp ứng yêu cầu của ngân hàng về việc xử lý tài sản trong trường hợp rủi ro. Để xử lý tình huống này, các ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư phải ký cam kết ba bên, trong đó chủ đầu tư cam kết sẽ mua lại căn hộ nếu khách hàng không trả được nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không chấp thuận ký kết hợp đồng ba bên nên gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình xét duyệt.
Ngoài ra, trong thực tế, để cho vay được khách hàng phải đảm bảo nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đối với đối tượng thu nhập thấp lại không chứng minh được nguồn thu nhập ổn định nên các ngân hàng từ chối cho vay.
Khu nhà công nhân được tính toán xây dựng nhưng sau đó đóng cọc rồi bỏ hoang. Ảnh: LÊ PHI
UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến để các ngân hàng tạo điều kiện đẩy mạnh các thủ tục thẩm định, giải ngân gói 30.000 tỉ đồng đến người mua nhà và các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Tuấn, việc đầu tư các dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay rất khó khăn, nguồn vốn ngân sách TP chưa đủ khả năng đầu tư các dự án này.
“Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ 70% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, phần còn lại sử dụng nguồn ngân sách TP và các nguồn khác để TP đứng ra đầu tư xây dựng cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp thuê nhằm đảm bảo nhu cầu ở của công nhân” - lãnh đạo TP Đà Nẵng đề nghị.
Lê Phi (Pháp luật Tp.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.