Tình trạng nhà đất lên cơn sốt ảo đang thách thức không nhỏ cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản. Đà Nẵng đang làm gì để ngăn chặn tình trạng giá nhà đất trên trời, trong khi thu nhập người dân ở dưới đất?

Đến lượt Đà Nẵng sốt đất nông nghiệp Ảnh: Lê Phước Bình

Sốt đất ảo

Sau một thời gian dài im ắng do ảnh hưởng từ dịch bệnh covid 19, thị trường bất động sản Đà Nẵng bất ngờ sốt trở lại do một số môi giới tung ra các chiêu trò thổi giá nhằm tạo sốt đất ảo để trục lợi. Chỉ trong vòng chưa đến một tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã liên tục phát đi hai bản tin cảnh báo về những vấn đề liên quan đến sốt đất.

Bản tin thứ nhất được phát đi vào đầu tháng 3/2022, cảnh báo về tình trạng môi giới chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nhằm trục lợi trái phép trên địa bàn thành phố, nhất là tại huyện Hòa Vang.

Tiếp theo đó là bản tin được phát đi vào ngày 7/4/2022, cảnh báo chiêu trò 'thổi giá đất lên cao, gây sốt ảo' từ các nhóm người có chủ ý để trục lợi.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết thời gian gần đây, một số nơi trên địa bàn thành phố, trong đó có huyện Hòa Vang xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo nhằm mục đích trục lợi. Chiêu thức nhóm người này sử dụng là tạo điểm nóng, đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.

Tuy nhiên qua tìm hiểu thì hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự không quá nhiều, trong khi các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần là những người môi giới mua bán đất đai, những môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác. Nhóm người này tung tin giả về nhu cầu, số lượng người giao dịch mua bán đất để thổi giá.

Tình trạng này chỉ tạm lắng xuống khi báo chí vào cuộc phản ánh vấn đề này. Nhiều người đặt câu hỏi đất Đà Nẵng sốt thật hay sốt ảo? Nếu là sốt ảo thì người nào đứng phía sau giật dây?

Ngày 18/4/2022, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3/2022, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) cho biết có tình trạng sốt đất nông nghiệp xảy ra trên địa bàn này. Một trong những nguyên nhân là do Đà Nẵng phê duyệt Đề án thí điểm du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Bất động sản Đà Nẵng hưởng lợi từ dự án nạo vét sông Cổ Cò

Nỗi lo giá nhà đất tiếp tục tăng

Đã có những tín hiệu lạc quan cho sự phục hồi của thị trường bất động sản Đà Nẵng. Việc chuyển trạng thái phòng chống dịch Covid-19 sang hướng thích ứng an toàn với dịch bệnh đã giúp cho nền kinh tế thành phố phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Đà Nẵng đến từ nhiều lý do, trong đó nổi bật là vị trí đắc địa của một thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời là trung tâm phát triển năng động, cửa ngõ phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là thành phố được thừa hưởng nhiều chính sách định hướng phát triển tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được phê duyệt cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thành phố này.

Đặc biệt là áp lực về gia tăng dân số cơ học và dân số tự nhiên, trong khi nguồn lực về đất đai có giới hạn cũng là một trong số nhiều nguyên nhân tạo nên sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Đà Nẵng.

Nhận định về bức tranh phát triển của thị trường bất động sản Đà Nẵng, Công ty cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) cho biết từ cuối năm 2021, một số tín hiệu báo động sự khởi đầu cho một thời kỳ mới đã xuất hiện trên thị trường bất động sản Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam sau khoảng thời gian yên ắng do tác động của dịch Covid-19. Không chỉ các chủ đầu tư chuẩn bị đón “sóng”, nhiều nhà đầu tư khắp cả nước cũng đang hướng trở lại khu vực miền Trung.

Hội tụ nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, tiềm năng du lịch, hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam có khả năng cộng hưởng giá trị, tạo ra động lực phát triển mới cho toàn khu vực với sự hình thành của cụm đô thị liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.

Trong đó, TP. Đà Nẵng được định vị là điểm đến của bất động sản cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

Không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng còn là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng với hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Với định hướng quy hoạch này, dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đến triển khai các dự án cao cấp và hạng sang.

Về phía Đà Nẵng và Quảng Nam, hai địa phương cũng bắt tay triển khai dự án khơi thông lòng sông Cổ Cò và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An.

Đây là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền Đà Nẵng và Hội An. Việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò theo quy hoạch được xem là động lực kinh tế, kích thích sự phát triển cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Tính chất cộng hưởng qua lại của dự án này sẽ tạo sức bật kinh tế cho cả 2 thị trường.

Cũng theo DKRA Vietnam, bước sang năm 2022, khu vực này đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai, hoàn thiện sẽ tiếp tục “khép kín” cung đường du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, đồng thời việc dần mở lại các chuyến bay quốc tế sẽ mang đến nhiều triển vọng phục hồi cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương.

Trên nền tảng của các tiền đề hiện hữu và điểm tựa lạc quan, DKRA Vietnam cho rằng, tính chất thị trường bất động sản Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đang bộc lộ sự thay đổi nâng tầm vị thế, sẵn sàng cho bước chuyển mình, đột phá trong thời gian sắp tới.

Chặn sốt đất từ các cuộc đấu giá đất

Song song với việc ngăn chặn sốt đất ảo, đồng thời rút kinh nghiệm từ vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Đà Nẵng vừa chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới. Đây được xem là chỉ đạo quan trọng, đúng thời điểm khi Đà Nẵng sắp tổ chức đấu giá nhiều lô đất và khu đất có diện tích lớn.

Cụ thể, theo quyết định phê duyệt danh mục quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, đợt 1 năm 2022, Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 200 lô đất ở chia lô và tiếp tục đấu giá 17 khu đất đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt trong năm 2021.

Các khu đất này chủ yếu thuộc địa bàn các quận Cẩm Lệ, Hòa Vang, Sơn Trà, Hải Châu và Liên Chiểu.

Nhằm đảm bảo hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố trong thời gian đến mang lại kết quả tốt, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất trên địa bàn thành phố để đảm bảo an toàn tín dụng.

Cùng với đó là biện pháp yêu cầu các ngân hàng thương mại không cho phép đảo nợ hoặc định giá lại đối với quyền sử dụng đất đã thế chấp; thắt chặt tín dụng bất động sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cho vay vốn tín dụng bất động sản.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục thuế tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên trao đổi thông tin với Công an thành phố về tình hình triển khai đấu giá, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất. Khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đề nghị Công an thành phố triển khai xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đối với việc xác định giá khởi điểm, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng còn giao rà soát, nâng cao chất lượng trong công tác xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo sát giá thị trường.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức bán đấu giá với cơ quan liên quan để đảm bảo an ninh, trật tự tại các cuộc đấu giá. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường áp dụng hình thức đấu giá phù hợp, linh hoạt, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến.

Quỹ đất tại Đà Nẵng đang được phân bổ ra sao?

Đây chính là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư sẽ phải tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi xuống tiền đầu tư nhà đất tại Đà Nẵng.

Song song với đó, việc công khai minh bạch kế hoạch sử dụng đất sẽ góp phần ngăn chặn việc môi giới nhà đất tung tin giả nhằm thổi giá đất để trục lợi.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành loạt quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Theo đó, về quỹ đất nông nghiệp, huyện Hòa Vang dẫn đầu với 62.377 ha, tiếp đến là quận Sơn Trà với 3.755,5 ha và quận Liên Chiểu với 3.747 ha. Các quận còn lại cũng có quỹ đất nông nghiệp, song diện tích không lớn.

Về quỹ đất ở, huyện Hòa Vang dẫn đầu diện tích đất ở tại nông thôn với 2.577 ha và 108 ha đất ở tại đô thị; quận Ngũ Hành Sơn với 1.228 ha; quận Liên Chiểu với 1.016 ha; quận Cẩm Lệ với 914 ha; quận Sơn Trà với diện tích 634 ha; quận Hải Châu với 463 ha; quận Thanh Khê với 435 ha.

Riêng quỹ đất về thương mại, dịch vụ, huyện Hòa Vang với 1.212 ha; quận Liên Chiểu với 671 ha; quận Ngũ Hành Sơn với 515 ha; quận Sơn Trà với 342 ha; quận Hải Châu với 308 ha; quận Cẩm Lệ với 55 ha; quận Thanh Khê với 19 ha.

Ngoài ra, đối với quỹ đất khu công nghiệp, theo kế hoạch sử dụng đất năm 2022 vừa được phê duyệt, huyện Hòa Vang với 1.011 ha; quận Liên Chiểu với 628 ha; quận Cẩm Lệ với 122 ha;...

Trong khi đó, theo Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng đến năm 2030 đất xây dựng đô thị tại Đà Nẵng là 31.836 ha, đất khác khoảng 66.710 ha và huyện Hoàng Sa với 30.500 ha.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.