Người dân cho biết, hằng đêm họ phải sống trong khiếp sợ của tiếng động cơ xe cơ giới, tiếng va đập của sắt thép. Trong đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, họ chỉ ra rõ những bất cập tại công trình này, như xây dựng chung cư cao tầng nhưng không chừa lối thoát hiểm, che chắn hết phần đường dành cho người đi bộ vì vậy khi những vật liệu xây dựng rơi xuống có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân xung quanh.
Ông Trần Ngọc Điệp (trú tại kiệt 6, đường Lý Thường Kiệt) - cho biết: "Bị lún, nứt nên nhà tôi có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, trong khi đó tôi phải thường xuyên đi viện điều trị về tim mạch, hô hấp... vì môi trường ô nhiễm nặng nề. Họ bồi thường có 27 triệu đồng làm sao tôi sửa lại nhà gần như hư hại hoàn toàn để ở được".
Nhà dân bị nứt nẻ, sụt lún nặng nề. Ảnh: Nhiệt Băng
Thê thảm hơn là tình cảnh ông Đào Tấn Việt (trú số 12/3, đường Lý Thường Kiệt). Gia đình ông Việt dành dụm cả đời mới cất được ngôi nhà mới nhưng ở chưa được bao lâu thì đã bị hư hỏng nặng nề. Có người còn phải tự bỏ tiền đi thuê nơi khác để ở vì ô nhiễm bụi xi măng, tiếng ồn...
Ông Trần Đình Quế cho hay: "Nhà tôi có 4 người thì 1 người ở bệnh viện tâm thần, vợ ông bị tai nạn nằm một chỗ nhưng bản thân ông phải thường nhập viện do ảnh hưởng môi trường, nhưng điều tôi bức xúc nhất là chủ đầu tư hứa sẽ hỗ trợ gia đình ông mỗi tháng 6,5 triệu đồng để thuê nhà ở nhưng đã hơn 3 tháng kể từ ngày ông đi thể nhà khác để ở tạm đến nay vẫn không thấy hỗ trợ một đồng".
Ông Trần Văn Dũng - Chánh thanh tra Sở Xây dựng - cho biết: "Theo báo cáo của chủ đầu tư thì hiện nay có 38 trường hợp bị ảnh hưởng lún, nứt (37 hộ và 1 doanh nghiệp). Tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng này đều đã được chủ đầu tư lập hồ sơ kiểm định giá trị thiệt hại, trong đó, có 9 hộ dân và 1 doanh nghiệp đã đồng ý nhận tiền bồi trường và miễn trừ trách nhiệm đối với chủ đầu tư. Các hộ còn lại chưa đồng ý nên chủ đầu tư tiếp tục tiến hành kiểm định lần 2 để lấy cơ sở bồi thường.
Công trình chung cư cao cấp F-Home đang thi công "tra tấn" người dân xung quanh. Ảnh: Hữu Long
Ông Dũng cho rằng, việc bồi thường phải dựa trên thỏa thuận giữa hai bên, trường hợp bên bị hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện ra tòa án để được giải quyết.
Cũng theo ông Dũng, để giảm thiểu tiếng ồn do thi công xây dựng công trình gây ra, không làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân tại khu vực, Thanh tra Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu phải bố trí thời gian thi công hợp lý, không được thi công quá 22h hằng ngày, đồng thời không được thi công các công việc dễ phát sinh ra tiếng ồn vào ban đêm như khoan sắt bê tông, cắt sắt, vận chuyển vật liệu bằng máy vận thăng.
Ông Dũng cho biết, việc nhà thầu thi công không đảm bảo an toàn làm rơi vật liệu xuống đường khu vực xung quanh, Thanh tra Sở đã hành xử phạt hành chính.
"Tuy nhiên, để khắc phục sự cố làm rơi vãi vật liệu gây mất an toàn trong khu vực, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong khi thi công nhà cao tầng đã đươc phê quyệt như sàn hứng vật liệu phải đủ rộng, lưới hứng vật liệu bên ngoài hệ thống lưới B40 và lưới nhựa phải tăng cường thêm lớp lưới thép (lưới mắc cáo) để vật liệu không đâm thủng và rơi xuống khu vực xung quanh; chỉ đạo BQL Dự án, Tư vấn giám sát thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại công trình xây dựng; việc kiểm tra phải được lập thành biên bản, đặc biệt lưu ý đến an toàn chống vật rơi; an toàn dàn giáo; rào chắn công trường, cảnh giới những khu vực có người qua lại…" - ông Dũng cho hay.
Quan điểm của Thanh tra sở này là kiên quyết xử lý dừng thi công hoặc đình chỉ thi công đối với những công việc thực hiện không đảm bảo an toàn lao động theo quy định.