Nói về tình trạng không ít dự án bất động sản du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chậm tiến độ, ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định chưa có trường hợp nào bị thu hồi. Ngược lại, các chủ đầu tư vẫn xin được chia sẻ khó khăn.

Bên lề hội thảo BĐS Đà Nẵng: thực trạng, tiềm năng và cơ hội tại Hà Nội hôm 18/8, trả lời câu hỏi của phóng viên VEF.VN về thực trạng chậm tiến độ của hàng loạt dự án và khả năng bội thực phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho hay:


Với tư cách là người giúp việc cho đồng chí Chủ tịch thành phố về mảng này, vừa rồi tôi đã tiếp đoàn thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quá trình theo dõi, các nhà phát triển dự án, đầu tư BĐS đến với Đà Nẵng đều có cam kết với chúng tôi là đầu tư đúng tiến độ, đúng kế hoạch đã được phân kỳ. Còn lại những dự án nào thực sự chậm trễ thì chúng tôi cũng phải gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc để tìm hiểu khó khăn của họ.


Có thể nói, các chủ đầu tư cũng cho rằng, chúng ta cần phải chia sẻ với họ trong bối cảnh hiện tại có những khó khăn về tài chính nhất định. Do đó thay vì trước đây phân kỳ 3 năm thì bây giờ họ đang phân kỳ đầu tư ra làm thứ tự để có sản phẩm đưa ra kịp thời.


- Nghĩa là vẫn không có dự án nào sẽ bị trả về, tước lại giấy chứng nhận đầu tư, thưa ông?


Ông Phùng Tấn Viết: Đến nay, chúng tôi chưa có thu hồi một dự án nào trong số các doanh nghiệp, nhà đầu tư bởi vì họ đều cam kết với chúng tôi đầu tư đúng tiến độ.


Đà Nẵng: BĐS cao cấp xin chậm tiến độ
Đà Nẵng về đêm nhìn từ cầu sông Hàn

- Sức hút từ BĐS Đà Nẵng là rất lớn nhưng hiện có rất nhiều chủ đầu tư dàn trải, liệu thành phố có biện pháp tiêu chí chọn lọc thế nào để đảm bảo các nhà phát triển dự án có đủ năng lực tài chính?


Đấy là việc mà thành phố Đà Nẵng chúng tôi phải quan tâm. Trước khi các nhà đầu tư vào, chúng tôi cũng phải khảo sát, tìm hiểu và nghiên cứu họ đó có đủ tiềm năng không. Nếu thực sự đủ tiềm năng thì chúng tôi quyết định cấp phép để hạn chế bớt đi những nhà đầu tư không đủ tiềm năng, năng lực, làm ảnh hưởng, chậm tiến độ dự án khi mà người ta đã nhận.


- Rất nhiều ý kiến lo ngại các vùng biển miền Trung đang bị băm nhỏ, các chủ đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp cát cứ từng vùng, ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan, môi trường và xã hội, đặc biệt là những dự án chậm hoàn thành. Ông nói sao về điều này?


Vấn đề đó hiện chúng tôi rất quan tâm. Hiện nay chúng tôi thực hiện theo quy hoạch và quy hoạch của thành phố cũng mời các chuyên gia nước ngoài tham gia tư vấn. Xác định xây dựng một thành phố môi trường nên chúng tôi không thể chấp nhận một dự án đầu tư mà ảnh hưởng đến môi trường.


- Thưa ông, việc đầu tư vào BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng đem lại cái tăng trưởng kinh tế rất tốt cho địa phương, nhưng điều này đồng nghĩa khi thu hút đầu tư, đầu cơ, nó sẽ làm cho giá BĐS, nhà đất tăng mạnh, khiến cho bộ phận dân cư tại Đà Nẵng có nhu cầu rất khó tiếp cận nhà đất. Quan điểm của ông thế nào?


Tôi có nhận thức như thế này, bất cứ một quốc gia, một khu vực và một thị trường nào chúng ta cũng đều có phân khúc cao cấp, trung bình và phân khúc thấp.


Đối với thành phố Đà Nẵng, chúng tôi cũng chia ra những khu vực như vậy và đối với phân khúc cao cấp thì dành cho những nhà doanh nghiệp, chủ đầu tư, những gia đình có điều kiện thu nhập cao.


Trước tình hình phát triển nóng của loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ven biển, đặc biệt tại khu vực miền Trung những năm gần đây, vừa qua ông Vũ Xuân Thiện - Phó cục trưởng Cục Phát triển nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, khi trực tuyến trên Diễn đàn Kinh tế VN (VEF.VN) - Báo VietNamNet, đã lên tiếng cảnh báo dấu hiệu dư cung đang diễn ra ở phân khúc này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nặng nề cho xã hội.


Cách đây ít ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố quyết định thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước và việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2001-2010.


Đây là địa phương thứ tư được Bộ tiến hành cuộc thanh tra này, nhằm đánh giá bức tranh tổng thể của cả nước và từng vùng trong việc thu hút đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.


Từ đó xác định những vấn đề cần chấn chỉnh trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, xây dựng chính sách... để đảm bảo việc sử dụng các nguồn lực quốc gia có hiệu quả cũng như đảm bảo các điều kiện về an sinh xã hội khi thu hồi đất cho các dự án.

Thứ hai chúng tôi cũng rất chú trọng và tập trung đến thị trường có thu nhập trung bình. Tại sao? Vì mục tiêu của chúng tôi là tập trung xây dựng thành phố thân thiện với môi trường, thành phố đáng sống. Cái suất chi phí cho một giờ lao động ở Đà Nẵng thấp hơn nhiều so với các nơi khác, do đó những học sinh, sinh viên mới ra trường họ cũng mong muốn đến với Đà Nẵng để làm ăn và có cơ hội phát triển tốt hơn.


- Thị trường Đà Nẵng được cho là gắn liền với BĐS cao cấp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Mục tiêu của buổi hội thảo hôm nay là giới thiệu tới các nhà đầu tư Hà Nội. Vậy, các ông muốn chú tâm giới thiệu phân khúc nào của thị trường Đà Nẵng?


Hiện nay Đà Nẵng có khoảng 56 dự án đầu tư BĐS với tổng vốn đăng ký là trên 3,5 tỷ đôla. Trong đó có thể nói rằng 30% dự án đầu tư nước ngoài. Còn lại là các dự án của các chủ đầu tư trong nước. Đặc biệt là các dự án của trục ven biển đã được các chủ đầu tư và những người tiêu dùng rất quan tâm.


Bởi lẽ hiện nay có thể nói rằng thị trường BĐS ở hai đầu cầu là Hà Nội và TP.HCM trầm lắng, song thị trường BĐS Đà Nẵng, qua khảo sát của hai công ty tư vấn và tiếp thị là Savills và CBRE VN thì có thể nói rằng, trong quý 2 vừa rồi, tốc độ tăng trưởng về giá của thị trường là trên 8% so với quý 1. Đấy là một dấu hiệu tốt đối với thị trường BĐS Đà Nẵng.


Thứ hai là tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng - đó là thành phố đã được Bộ Chính trị có Nghị quyết 33 định hướng để đầu tư phát triển trở thành thành phố động lực cho khu vực miền Trung và Tây nguyên VN.


Đến nay chúng tôi đã huy động các nguồn lực, đầu tư bình quân là trên 1 tỷ đôla từ các nguồn khác nhau. Hiện nay chúng tôi đã định vị được một số lĩnh vực có tính động lực đặc biệt là khu vực dịch vụ như thương mại, du lịch, tài chính, viễn thông và giáo dục. Chính những thị trường dịch vụ đấy sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp đến làm ăn để sử dụng các lợi thế dịch vụ đó.


Điểm nữa, Đà Nẵng là điểm cuối của trục hành lang kinh tế Đông Tây. Đến đây không chỉ đến với thị trường BĐS của Đà Nẵng mà cả miền Trung và thị trường của một số quốc gia ở tiểu vùng sông Mê kông nơi họ đến làm ăn và sinh sống.


Ngoài ra, một thị trường lớn về nhu cầu BĐS là đối tượng các em học sinh, sinh viên. Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 24 hệ thống trường cao đẳng và đại học. Riêng đại học vùng như Đại học Đà Nẵng hàng năm chiêu sinh trên 17.000 sinh viên hệ chính quy và tại chức. Chỉ cần 10-20% những gia đình khá giả thì người ta có thể mua được một căn hộ giá trung bình trong quá trình 5 năm, thay vì ở nhà thuê.


Nhu cầu BĐS Đà Nẵng như vậy rất thuận lợi và đa dạng.


Ông Đàm Quang Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng: Nhu cầu về nhà ở của người dân sống tại Đà Nẵng là lớn nhưng để mua được thì không có điều kiện. Có thể nói người dân có thu nhập thấp tại Đà Nẵng hiện rất khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở.


BĐS tại Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào người có thu nhập cao như chung cư cao cấp, khu nghỉ dưỡng. Những địa điểm lợi thế đều dành cho dự án cao cấp. Cũng phải nói rằng, định hướng như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư lớn. Từ đó có ngân sách để đầu tư lại nhà ở xã hội.


Vấn đề hiện giờ là chính sách của Nhà nước và thành phố Đà Nẵng làm sao thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà thu nhập thấp và những người có thu nhập thấp được tiếp cận vốn vay dài hạn vài chục năm để mua nhà.


Theo Nguyễn Nga (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.