Nhưng cho tới nay, tức là đã 5 năm, dự án cho người dân tái định cư ổn định cuộc sống vẫn chưa hoàn chỉnh khiến người dân phải sống trong cảnh khổ sở, vất vưởng đợi chờ...
10 hộ dân sống tạm ngay dưới chân ta luy đường cao tốc, mùa mưa đến nước xối thẳng vào từng nhà.
Sống khổ sở chờ đợi
Khổ sở nhất phải kể đến 10 hộ dân thôn Phò Nam, sống ven đường ĐT601, ngay dưới chân ta luy dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan. Chuyện 10 hộ dân này, trong những mùa mưa lũ 4 năm vừa qua, chúng tôi cũng đã phản ánh nhiều lần về nỗi cơ cực trước cuộc sống tạm bợ của họ, khi chờ nhận đất TĐC. 10 hộ dân gồm, hộ gia đình các ông Trần Công Tuấn, bà Ngô Thị Ảnh, bà Trần Thị Dung, ông Nguyễn Bí Hộ, ông Võ Yên, bà Lê Thị Cầu, ông Trần Công Đức, ông Nguyễn Đức, ông Trần Văn Tục, ông Hồ Bảy. Tất cả các hộ dân này sau khi đã giải tỏa nhường đất cho dự án cao tốc, sống tạm tại khu vực nêu trên, mỗi hộ gia đình tự dựng tạm nhà cửa trên diện tích chỉ chừng 50m2. Cuộc sống của họ hơn 4 năm qua vô cùng khổ sở. Phía trước mặt là con đường ĐT601 lầy lội bùn đất vào mùa mưa, mù mịt bụi đất vào mùa nắng… Sát mép sau lưng nơi họ sống tạm là ta luy đường cao tốc gần như dựng đứng, mặt đường cao hơn nóc nhà đến 3-4 mét, không có hệ thống cống rãnh thoát nước, cứ mưa xuống là nước từ mặt đường cao tốc xối thẳng vào nhà.
Phía Ban quản lý dự án đường cao tốc cho rằng, nguyên nhân chưa xây dựng được hệ thống cống rãnh thoát nước là do “vướng” các hộ dân đang sống tạm dưới mép ta luy đường, chờ khi nào các hộ dân này di dời, mới có thể triển khai xây dựng ?! Còn phía các hộ dân cũng có lý do, bà con không thể di dời, vì 4 năm qua vẫn chưa nhận được đất TĐC tại dự án TĐC Trung tâm Hòa Bắc.
Sau 5 năm triển khai, khu TĐC Trung tâm Hòa Bắc dành cho các hộ dân giải tỏa vì dự án đường cao tốc vẫn dang dở.
Vừa chậm, vừa bất cập
Quay trở lại chuyện khu TĐC Trung tâm Hòa Bắc, Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu TĐC này triển khai trên diện tích 26,04 ha do BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty xây dựng Thăng Long, triển khai từ năm 2015, dự kiến hoàn thành vào tháng 1-2018. Trước những bức xúc của người dân bị giải tỏa nhà cửa, đất đai khi phải chờ đợi đã hơn 3 năm qua để ổn định cuộc sống, BQL dự án đã cam kết đến 30-6-2018 sẽ hoàn thành dự án. Ngày 10-5-2019, Ban giải phóng mặt bằng, UBND H. Hòa Vang có thông báo “về việc nhận đất TĐC và nộp tiền sử dụng đất”. Đã có 17 hộ gia đình ở thôn Phò Nam đăng ký nhận 29 lô đất TĐC. Tuy nhiên, khi ra hiện trường khu TĐC để nhận đất, cơ sở hạ tầng vẫn ngổn ngang, dang dở. Khu TĐC mà Ban giải phóng mặt bằng nói là “đã có hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện để giao đất xây dựng nhà ở”, vẫn chỉ là khu đất trống. Toàn bộ khu TĐC chưa có điện nước, đường giao thông chưa hoàn chỉnh; cống nước thải sinh hoạt chưa đấu nối, nhiều đoạn bị đất đá bồi lấp, sạt lở chưa được sửa chữa, hoàn thiện.
Theo thiết kế, khu TĐC có cả hệ thống cây xanh, nhưng chưa có một bóng cây nào. Ông Hồ Phú Sâm -Trưởng thôn Phò Nam cho biết: Sau khi người dân có ý kiến, cuối năm 2019, chủ đầu tư dự án đã tiến hành hoàn thiện một số hạng mục như: thảm nhựa hệ thống đường giao thông, kéo hệ thống điện sinh hoạt, lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt và trồng cây xanh tại khu TĐC. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cũng mới chỉ có 17 hộ dân đăng ký nhận đất như đã nêu trên, nhưng vẫn chưa tiến hành làm nhà ở, còn hàng chục hộ dân khác vẫn chưa đăng ký nhận đất TĐC.
Người dân nêu ra những lý do: Bờ kè bao dọc khu TĐC sát với bờ sông Cu Đê có chiều dài hơn 500 mét, nhưng hiện nay chỉ được gia cố bằng đất, chưa được xây dựng kiên cố. Như vậy khi mùa mưa lũ đến, nước sông dâng cao, bờ kè sẽ sạt lở, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của cả trăm hộ dân tại khu TĐC. Thêm nữa, hiện nay dọc bờ kè này có nhiều miệng cống từ hệ thống thoát nước của khu TĐC chưa hoàn thiện, khớp nối. Trong đó có miệng cống lớn thoát nước từ trên đường Hồ Chí Minh đổ xuống, chảy qua khu TĐC, đổ thẳng ra cánh đồng sản xuất nông nghiệp hơn 30 ha của người dân. Nếu không được xử lý, thu gom thì mùa mưa lũ đến, nước từ miệng cống sẽ tàn phá hoa màu, tài sản của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân khu TĐC và cả thôn Phò Nam. Bên cạnh, hệ thống nước sinh hoạt khu TĐC được thi công quá nhỏ, nguồn nước tự chảy dẫn từ Khe Dâu về quá yếu, vào mùa nắng không thể cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân khu TĐC. Theo ý kiến người dân, cần phải xây dựng một bể trụ trên cao để trữ nước, rồi từ đó mới phân phối về các hộ dân, như vậy mới có thể đủ nước sinh hoạt.
Ý kiến người dân đã được phản ánh lên chính quyền và ngành chức năng, tuy nhiên BQL dự án cho rằng, các hạng mục bờ kè, hệ thống xử lý thu gom nước, bồn chứa nước sinh hoạt không có trong thiết kế dự án, nên dự án không có kinh phí để thi công các hạng mục này ?!
Ngày 1-7-2020, trao đổi với ông Thái Văn Hoài Nam -Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, chúng tôi được biết, những ý kiến phản ánh của người dân về khu TĐC, UBND xã đã báo cáo lên chính quyền và ngành chức năng H. Hòa Vang. Về việc người dân không chịu nhận đất TĐC, UBND xã cùng các ban ngành chức năng huyện nhiều lần tổ chức họp, tuyên truyền vận động nhân dân, lần gần đây nhất vào tháng 5-2020. Công ty Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đã cam kết, khi người dân nhận đất TĐC sẽ đảm bảo có đủ nước cho người dân dùng. Ngành điện lực cũng cam kết sẽ kết nối hệ thống điện đảm bảo cho người dân sử dụng an toàn, đầy đủ. Tuy nhiên nhiều hộ dân vẫn do dự không muốn nhận đất.
-
Cách những tòa tháp The Symphony bên sông Hàn chinh phục giới thượng lưu
Nằm trong quần thể đẳng cấp Sun Symphony Residence, các tòa tháp The Symphony vươn mình bên sông Hàn thơ mộng, hướng ra biển và kiêu hãnh ngay giữa “trái tim” đô thị quốc tế Đà Nẵng.
-
Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay Boeing 787 ở Đà Nẵng bắt đầu hoạt động
Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không KP Vina sản xuất linh kiện cho dòng máy bay Boeing đi vào hoạt động ở Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
-
Nhiều lô đất ở Đà Nẵng đã có chủ sau đấu giá
Nhiều lô đất có vị trí đắc địa tại TP. Đà Nẵng đã tìm được chủ nhân sau các phiên đấu giá. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đấu giá nhiều lô đất trên địa bàn nhiều quận, huyện....