25/09/2020 1:15 PM
Khu đất ban đầu có diện tích 1.500 m2, là đất lâm nghiệp, đối tượng rừng phòng hộ, đất du lịch sinh thái rừng. UBND tỉnh chấp thuận theo đề nghị chuyển mục đích để “xây dựng trụ sở cơ quan” Ban quản lý bảo vệ rừng (BQLBVR) Tà Nung; nhưng gần 13 tháng sau, quyết định này không phù hợp, diện tích đắc địa trở thành…những nhà ở của chính người trong Ban quản lý?

Đà Lạt: Những người giữ rừng làm nhà ở …trên đất rừng ?

Khu đất từng giao để xây dựng trụ sở BQLR Tà Nung vào năm 2005

Từ đất xây dựng trụ sở làm việc…

BQLBVR Tà Nung, nay là BQLR Tà Nung, thuộc Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Lâm Đồng, được thành lập theo Quyết định số 1916/QĐ-UBND ngày 19/5/2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Năm 2005, nhằm tạo điều kiện nơi làm việc cho BQL này, Bộ CHQS tỉnh gửi tờ trình đến UBND tỉnh và Sở TN&MT xin chuyển đổi mục đích từ đất lâm nghiệp sang đất xây dựng trụ sở làm việc, tại lô b2, khoảnh 502, tiểu khu 159A do BQLBVR Tà Nung quản lý. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh diện tích khu đất trên (thuộc địa bàn phường 5, thành phố Đà Lạt). Hiện trạng được ghi nhận khu đất trên có tổng diện tích 1.5000 m2 (ngang 50 mét, sâu 30 mét, giáp đường đi Cam Ly 50m; hai mặt giáp rừng và mặt còn lại giáp đất sản xuất nông nghiệp của hộ ông Hoàng). Ngoài đất trống, trên khu đất này còn 18 cây thông ba lá (đường kính bình quân 33 cm, chiều cao trung bình 14 m); 1 nhà gạch 20,7 m2; 1 nhà ván 23,8 m2, đều lợp tôn và 1 nhà kính 258,8 m2 dùng để ươm cây lâm nghiệp của BQLR Lâm Viên và Ban Lâm nghiệp phường 5. Theo các Văn bản hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng, khu đất này là đất du lịch theo dự án; đất lâm nghiệp; đối tượng rừng phòng hộ. Căn cứ tờ trình của Sở TN&MT, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2794/QĐ-UBND ngày 07/10/2005 “cho phép chuyển mục đích sử dụng 1.500 m2 từ đất lâm nghiệp sang đất chuyên dùng để xây dựng nhà làm việc của BQLBVR Tà Nung”.

Tuy nhiên, ngày 12/10/2006, UBND tỉnh có Văn bản số 6311/QĐ-UBND “tạm dừng xây dựng trụ sở làm việc BQLBVR Tà Nung vì đây là khu vực nằm trong dự án du lịch Cam Ly-Măng Lin. Giao cho Sở TN&MT phối hợp với BCHQS tỉnh Lâm Đồng tìm vị trí khác phù hợp hơn”. Vì vậy, BCHQS tỉnh tiếp tục có tờ trình đề xuất vị trí đất mới để xây trụ sở làm việc của BQLBVR Tà Nung tại lô a2, khoảng 04, tiểu khu 159A. Ngày 02/11/2006, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 3296/QĐ-UBND cho phép BQLR Tà Nung chuyển mục đích sử dụng 867 m2 đất lâm nghiệp sang đất chuyên dùng để xây dựng trụ sở làm việc (trụ sở hiện nay), tại vị trí lô đất như tờ trình.

Đà Lạt: Những người giữ rừng làm nhà ở …trên đất rừng ?

Vật liệu làm nhà mới trên khu đất vừa bị chính quyền phường 5 buộc tháo dỡ (7/2020)

Thành đất ở của các hộ gia đình

Khi không được xây dựng trụ sở trên khu đất thuộc lô b2, khoảnh 502, tiểu khu 159A như nêu trên, có nghĩa là khu đất 1.500 m2 đương nhiên phải trả lại đúng lai lịch ban đầu của nó. Nói cách khác, lô đất vẫn thuộc “đất nông nghiệp và cây xanh” (Quyết định 409 của Thủ tướng Chính phủ); “đất du lịch theo dự án (nằm trong khu du lịch Cam Ly-Măng Lin)” (Quyết định 204 của UBND tỉnh Lâm Đồng); “đất lâm nghiệp” (Quyết định 57 của UBND tỉnh Lâm Đồng) và “đất thuộc đối tượng rừng phòng hộ” (Quyết định 882 của Thủ tướng Chính phủ). Mặt khác, tại Quyết định 2794 của UBND tỉnh khi cho phép BQLBVR Tà Nung xây dựng trụ sở làm việc đã ghi rõ các điều kiện sử dụng đất: “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng diện tích, đúng ranh giới, và các yêu cầu khác khi được giao đất”. Đồng thời, “Quyết định này không có giá trị thay thế giấy phép xây dựng”. Thế nhưng, theo tìm hiểu sơ bộ hiện có 7 hộ gia đình (là người làm việc tại BQLR Tà Nung hoặc liên quan) cơi nới làm các nhà để ở và kinh doanh…Số cây thông như biên bản lập trước khi giao đất cho BCHQS nay không còn đủ, mặc dù tại Tờ trình số 604 ngày 05/10/2005 của Sở TN&MT gửi UBND tỉnh đã ghi “tránh việc chặt hạ cây thông có trong khu vực” !?.

Ngày 24/8/2020, chúng tôi có mặt tại tiểu khu 159A này để chứng kiến địa phương và các cơ quan chức năng của thành phố Đà Lạt tổ chức triển khai cưỡng chế giải tỏa theo chỉ đạo của UBND thành phố Đà Lạt đối với 10 hạng mục khác đã xâm lấn trái phép rừng và đất lâm nghiệp (vị trí phía sau và gần khu đất từng giao cho BQLR Tà Nung nói trên). Nhiều người dân đặt vấn đề: Cũng cùng một tiểu khu, tại sao thành phố Đà Lạt đã cương quyết chỉ đạo giải tỏa để trồng cây phục hồi rừng trên diện tích kia, nhưng khu đất những người của BQLR Tà Nung đang sử dụng làm nhà ở trái phép, thậm chí xâm lấn rộng hơn gấp nhiều, lại không xử lý ?! (Người dân cũng rất đồng tình trước đó, tháng 7/2020, chính quyền phường 5 đã kiên quyết yêu cầu tháo dỡ một nhà đang tiến hành thi công mới trên khu đất từng cấp cho BQLR Tà Nung).

Theo Quyết định số 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” và Quyết định số 1409/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng “Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thành phố Đà Lạt” thì khu đất lô b2, khoảnh 502, tiểu khu 159A vẫn là đất lâm nghiệp, nằm trong dự án du lịch sinh thái. Thiết nghĩ, cần thu hồi lại khu đất để phục hồi rừng, (có thể hỗ trợ các hộ đang lấn chiếm làm nhà ở, theo quy định). Việc làm này vừa tuân thủ nghiêm các quy định pháp lý hiện hành, vừa thể hiện nghiêm túc việc thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký ban hành ngày 25/8/2020.

  • Ngột ngạt cao ốc đua nở ở 'thành phố trong rừng' Đà Lạt

    Ngột ngạt cao ốc đua nở ở 'thành phố trong rừng' Đà Lạt

    Những ngôi nhà ống mọc lên nhan nhản nhiều nơi, xen cấy vào khuôn viên các khu biệt thự cổ, thậm chí những tòa cao ốc, khách sạn cao tầng xây trên đất công cộng khiến bộ mặt đô thị Đà Lạt trở nên lộn xộn, nhếch nhác, mất bản sắc.

Minh Đạo (Báo Văn Hóa)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.