Đại đa số các doanh nghiệp xây dựng đều đồng tình với giải pháp tình thế này từ phía Bộ Xây dựng, tuy nhiên các doanh nghiệp này cũng đang có nhiều băn khoăn. Theo ông Phạm Thành Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thế kỷ, đây là giải pháp tích cực giúp doanh nghiệp có thể bán được hàng trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ như căn hộ 90m2 có giá trên 2 tỷ đồng, nhưng nếu chia đôi thành những căn 45m2 thì giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng/căn, chắc chắn sẽ bán được hàng vì đáp ứng được nhu cầu thực của thị trường.
Ông Hưng cho rằng, việc chia nhỏ căn hộ sẽ khiến doanh nghiệp phải xây thêm tường, làm lại hệ thống kỹ thuật như: điện, nước, nước thải… Rồi doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy hoạch các công trình tiện ích như trường học, bệnh viện… do mật độ dân cư tăng lên gấp hai lần chắc chắn chi phí bỏ ra không nhỏ, do đó giá thành trên một mét vuông sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, băn khoăn nhất chính là các thủ tục hành chính bởi thủ tục để thay đổi dự án, đặc biệt với các dự án đã xây rồi thì không đơn giản.
“Ở Hà Nội thì các dự án từ vành đai 3 trở vào muốn thay đổi cực kỳ khó, có rất nhiều dự án đã làm hồ sơ xin từ lâu nhưng vẫn chưa được. Theo như tôi biết thì chưa có bất kỳ một dự án nào được phê duyệt”, ông Hưng cho hay. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch CLB BĐS Hải Phòng, doanh nghiệp ủng hộ việc điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm, đây là giải pháp trước mắt rất quan trọng, nhưng quan trọng là chính sách. Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp nhưng thực tế quy trình rất khó khăn và để thực hiện được cũng mất rất nhiều thời gian.
Ngay trong cuộc đối thoại của Bộ trưởng Bộ Xây dựng với các doanh nghiệp ngành xây dựng tìm hướng tháo gỡ cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã bày tỏ e ngại về cơ chế chính sách. Tiêu chuẩn một dự án chung cư có quy định 1 cầu thang bao nhiêu căn hộ sử dụng, rồi liên quan đến thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy, không gian sinh hoạt chung… Việc điều chỉnh này sẽ làm tăng dân số nên phải tính toán kỹ lưỡng nếu không sẽ phá vỡ hạ tầng xã hội xung quanh.
Doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn về thủ tục khi xin chia nhỏ căn hộ.
Một giải pháp nữa cũng được nhắc đến là cho doanh nghiệp chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, đây chính là giải pháp không chỉ cứu doanh nghiệp, mà còn giúp người dân có nhà, cứu nền kinh tế. Khi chuyển sang nhà xã hội, doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế sử dụng đất, nên sẽ bớt gánh nặng về tài chính, còn người làm công ăn lương sẽ mua được nhà ở. Giải pháp này được cho là khá vẹn toàn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chìm trong khó khăn hiện nay.
Ủng hộ giải pháp này, nhiều doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi những băn khoăn, ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Vinaconex Xuân Mai, đơn vị chủ đầu tư 2 dự án nhà thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm và Kiến Hưng cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn vốn để thực hiện. Bên cạnh đó là cơ chế để thực hiện, trong đó việc khống chế giá, phải kiểm toán, nhà đầu tư hưởng mức lợi nhuận rất thấp, và việc phân phối căn hộ cũng gặp trở ngại.
Việc cho phép chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là giải pháp tích cực nhưng cũng cần phải xem xét trên góc độ nhu cầu thị trường ở từng khu vực. Điều này có thể thấy rất rõ qua việc một số dự án nhà thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đang rất trầy trật trong khâu bán hàng.
Theo ông Trần Văn Nguyên, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Handico3), đơn vị chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng thì vấn đề vướng mắc nhất hiện nay mà nhiều doanh nghiệp bất động sản lo lắng khi xin chuyển đổi là thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài. “Để khuyến khích doanh nghiệp chuyển dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội quan trọng nhất là phải đẩy mạnh thủ tục hành chính bởi vấn đề doanh nghiệp cần là thời gian, nếu quá lâu doanh nghiệp không thể chờ đợi vì sẽ mất cơ hội kinh doanh" ông Nguyên nói.