07/12/2018 8:39 AM
CafeLand – Nắm bắt tâm lý muốn mua nhà đất cuối năm của khách hàng, nhiều môi giới, cò đất tung chiêu dụ dỗ, thậm chí lừa gạt để người mua sập bẫy.

Giao dịch đất nền luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi gặp phải cò đất, môi giới "tung chiêu"

Bình mới, rượu cũ

Sau đám cưới, anh Vương bắt đầu tìm kiếm một mảnh đất để xây nhà. Đang có trong tay 2 tỉ đồng, lại không muốn phải vay ngân hàng nên anh Vương xác định khu vực sẽ mua thuộc quận Thủ Đức hoặc quận 9. Anh lên mạng đọc các thông tin rao bán đất ở những khu vực này, nhưng khá bối rối bởi thông tin thì nhiều nhưng không có cơ sở để xác thực.

“Mình mua nhà để ở nên muốn tìm khu vực ổn định, giá cả phù hợp và đặc biệt pháp lý chắc chắn. Nhưng thông tin trên mạng rao bán mình không biết đâu mà lần”, anh Vương nói.

Một lần, anh Vương đọc được thông tin rao bán mảnh đất có diện tích 60m2 tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức với mức giá chỉ 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi gọi điện thăm dò thì anh biết mình đang bị lừa.

“Họ nói mức giá chỉ 20 triệu/m2 nhưng thực tế là 25 triệu/m2, vị trí của dự án cũng không phải ở Thủ Đức mà tại Bình Dương. Hỏi tại sao thì họ kêu đó cách để thu hút người mua. Mình đòi xem giấy tờ pháp lý dự án thì họ không đồng ý, kêu phải xuống tận dự án mới cho xem. Những người này không dùng zalo, và một bài nói chuyện y chang nhau”, anh Vương bức xúc.

Thực tế câu chuyện mà anh Vương gặp phải xảy ra rất nhiều, đặc biệt với phân khúc đất nền. CafeLand từng nhận được phản ánh của nhiều khách hàng về việc họ bị một số công ty môi giới đất nền lừa xuống tận Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để mua đất.

Chị L, một nạn nhân cho biết, vào khoảng tháng 8/2017, chị có nhu cầu mua đất tại quận 9 (TP.HCM). Do đó, chị đã liên hệ với nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh bất động sản UniLand và được hẹn đưa đi xem đất tại quận 9, TP.HCM vào sáng chủ nhật.

“Họ hẹn ở quán cafe cạnh siêu thị BigC quận 2 để đưa tôi đi xem đất ở quận 9. Sau khi gặp mặt, nhân viên bán hàng giới thiệu về công ty Uniland, thuyết phục đi theo xe đưa rước của họ ra tận Vũng Tàu để xem dự án The Unicity. Thực chất là dự án Lan Anh 5. Đây là dự án của Chủ đầu tư Lan Anh chứ không phải chủ đầu tư là Uniland như họ quảng bá”, chị L cho biết.

Anh Bình, một nhà đầu tư bất động sản cho rằng, chiêu thức dẫn dụ khách hàng như trên đều theo một công thức chung. Sau khi hẹn khách tại một địa điểm những công ty này thường dồn họ lên xe và đưa đến dự án ở một vị trí khác xa hơn nhiều. Khách hàng vì đã lên xe nên đành ngậm ngùi chịu trận. Trong khi đó, những nhân viên môi giới, trong đó có bộ phận không nhỏ được cài cắm trong vài khách hàng sẽ liên tục tạo hiệu ứng, và đưa ra cam kết, phần thưởng hấp dẫn. Do đó, nhiều người không vững tâm lý, hám lời sẽ sập bẫy.

Dựa hơi ông lớn để bán hàng

Hiện nay, trên các gốc cây, cột điện thuộc nhiều tuyến đường tại TP.HCM, xuất hiện rất nhiều những băng rôn rao bán nhà đất với nội dung “đất ngân hàng cần thanh lý”.

Anh Quang (ngụ Tân Bình) đang có nhu cầu mua đất nền nên đã tìm hiểu nhiều kênh. Sau khi thấy thông tin đất ngân hàng thanh lý, nghĩ rằng giá đất sẽ phù hợp và tin tưởng vào độ pháp lý do ngân hàng bảo lãnh nên anh Quang đã liên hệ, nhưng kết quả nhận lại không gì khác ngoài sự hoang mang.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho biết, nếu ngân hàng muốn bán hoặc phát mãi những tài sản của mình thì thường đăng tải thông tin công khai và rõ ràng trên các website chính thức của họ. Khách hàng muốn mua những tài sản này thì nên tìm hiểu cặn kẽ, đến tận ngân hàng để đối chứng, tránh nghe theo thông tin quảng cáo mập mờ như trên.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn phải “kêu trời” vì liên tục bị nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh, thương hiệu để bán hàng.

Cụ thể, Công ty cổ phần địa ốc Him Lam (Him Lam Land) cho biết, gần đây họ liên tục nhận được các cuộc gọi của khách hàng để tìm hiểu về dự án như Him Lam Bình Chánh”, “Him Lam Nam Sài Gòn”… khách hàng cho biết, họ biết được thông tin các dự án trên thông qua tờ rơi được phát ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM.

Tuy nhiên, đại diện Him Lam khẳng định công ty không phát triển bất kỳ dự án nào có tên như vậy và khuyến cáo khách hàng tránh sập bẫy.

Trước đó, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long đã “tố cáo” Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nam Long Real (Nam Long Real) - một đơn vị không có bất kỳ mối quan hệ sở hữu nào với Công ty cổ phần đầu tư Nam Long - đã có hành vi sử dụng trái phép và xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu “Nam Long”.

Cụ thể, Nam Long Real đã sử dụng biển hiệu, giấy tờ giao dịch và phương tiện kinh doanh (trang thông tin điện tử namlongreal.vn) khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng đất nền tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An, … Hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị này không chỉ gây ra hiểu nhầm cho nhiều khách hàng mà còn phương hại nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu đã được tạo dựng và phát triển lâu nay của Tập đoàn Nam Long.

Ngay sau đó, đoàn thanh tra bao gồm đại diện Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công An đã tiến hành thanh, kiểm tra tại trụ sở của Nam Long Real.

Sau đó, các cơ quan chức năng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với Nam Long Real, do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu "Nam Long" đang được bảo hộ độc quyền của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long.

Theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), với những trường hợp bị lợi dụng danh tiếng, thương hiệu thì doanh nghiệp có thể dựa vào pháp lý để bảo vệ quyền lợi.

Cụ thể, căn cứ vào Điều 592, Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Còn về trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

  • Công an có dẹp được “cò đất” thổi giá?

    Công an có dẹp được “cò đất” thổi giá?

    CafeLand – Nhiều người cho rằng, việc cơ quan công an vào cuộc để xử lý những “cò đất” tung tin sai sự thật, thổi giá nhằm ngăn chặn cơn sốt đất ảo là việc cần làm. Song, không ít người đặt dấu hỏi, liệu đây có phải là giải pháp tối ưu để xử lý tình trạng trên?

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.