Doanh nghiệp phải tìm đủ mọi cách để đưa ra thị trường sản phẩm được khách hàng chấp thuận. Trong nỗ lực ấy họ phải cầu viện đến các cơ quan quản lý địa phương nhưng cách hành xử ở mỗi nơi mỗi khác đang khiến thị trường đã khó càng thêm khó khăn.
80 căn hộ GreenBay tại Hạ Long của Bim Group chào bán đợt đầu phần lớn đã có khách hàng. Phương thức bán hàng được ông Đoàn Quốc Huy, Phó chủ tịch Tập đoàn chia sẻ: chủ đầu tư uỷ quyền phân phối cho 4 - 5 sàn giao dịch, trong đó Đất Xanh mua sỉ 2 sàn. Theo kế hoạch, năm 2013, khách hàng sẽ được bàn giao nhà, hiện 2 tòa 17 tầng đầu tiên sắp xong móng. Đối tượng khách hàng của dự án được nhắm đến là người dân Hạ Long và trọng tâm hơn là nhân viên ngành than cũng như một số tổng công ty lớn tại Quảng Ninh. Với diện tích từ 63 đến 87 m2, các căn hộ được bài trí khá đẹp, tiện lợi sinh hoạt cho một gia đình hạt nhân.
Ở thời điểm khó khăn về tín dụng như hiện nay, 2 ngân hàng là Sacombank và VCB vẫn rót vốn cho vay tới 70% giá trị căn hộ, tài sản thế chấp chính là căn hộ đặt mua. Với khoảng 250 triệu đồng, khách hàng đã bắt đầu mua được 1 căn hộ. Chủ đầu tư dự kiến sẽ phối hợp với các doanh nghiệp có lượng người lao động có nhu cầu lớn về nơi ở như đã kể trên để triển khai bán hàng, dĩ nhiên sẽ phải có ưu đãi giá so với bán ra thị trường.
Tương tự, trước mùa hè này, Bim Group sẽ đưa vào khai thác hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị tại Khu đô thị mới Hạ Long Marina. Để thu hút được khách hàng, chủ đầu tư đưa ra rất nhiều ưu đãi như miễn phí tiền thuê năm đầu áp dụng với các hợp đồng ký thời hạn 3-5 năm. Họ cũng uỷ quyền cho một công ty tư vấn nước ngoài đàm phán tìm kiếm đối tác để khi Trung tâm đi vào hoạt động không rơi vào tình cảnh vườn không nhà trống.
Cũng trong một động thái thích nghi với thị trường, chủ đầu tư dự án này đã điều chỉnh thiết kế các ô biệt thự với các diện tích lớn thành nhà liền kề để dễ bán. Ông Đoàn Quốc Huy cho hay, việc điều chỉnh thiết kế được chính quyền tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ nên thực hiện rất nhanh và thủ tục đơn giản.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng ủng hộ doanh nghiệp như vậy. Tại Hà Nội, các chủ đầu tư đang bị trói chân, trói tay rất chặt. Hỏi ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm tại sao không điều chỉnh giảm diện tích các ô biệt thự tại Dự án Bắc Quốc lộ 32 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ông cho hay việc này rất khó, thậm chí nhiều khi là bất khả thi. Thời gian để xin điều chỉnh thiết kế dự án có khi tới 3 - 4 năm, vì vậy, tạm thời Công ty chưa thực hiện giải pháp này.
Một doanh nghiệp mới đây bị báo chí “bủa vây” do dự án đã khởi công từ cách đây 2 năm mà giấy phép xây dựng (điều chỉnh) chưa được cấp. Lãnh đạo công ty này chia sẻ, họ mất tới 4 - 5 năm mới có được giấy phép xây dựng, phê duyệt thiết kế cơ sở. Đơn vị tư vấn “bốc bài” cứ tạm xin phương án đơn giản cho giấy phép dễ được phê duyệt, sau đó xin điều chỉnh tăng thêm số căn hộ.
Kết quả là mất tiếp 2 năm nữa, việc điều chỉnh trên mới được thực hiện, doanh nghiệp chạy qua bao nhiêu cửa, tốn không biết bao nhiêu chi phí mới có được tấm giấy phép trên. Dĩ nhiên, trong trường hợp này, giá bán căn hộ phải “cõng” thêm những chi phí khó nêu tên mà doanh nghiệp đã chịu.
Lối ra cho các doanh nghiệp bất động sản được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng hứa hẹn trong cuộc gặp cuối năm ngoái là tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng thay đổi thiết kế dự án, chia nhỏ diện tích căn hộ, biệt thự cho dễ bán. Tuy nhiên, động thái cụ thể để triển khai thông điệp chính sách này lại chưa thấy.
Doanh nghiệp đang nóng lòng ngồi trên đống tài sản kém thanh khoản, người mua lại nóng lòng mong có sản phẩm phù hợp túi tiền, xem ra chỉ có cơ quan quản lý là rất đủng đỉnh. Nhiều cuộc họp, hội thảo liên tục được tổ chức với rất nhiều kiến nghị được đưa ra, doanh nghiệp sau Tết càng khó khăn và họ ước giá như chính quyền Hà Nội cũng “xắn tay áo” vào gỡ khó cho doanh nghiệp như chính quyền Quảng Ninh thì hay biết mấy.