Trong khi cấp sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng tặng cho vì người con vi phạm nghĩa vụ chăm sóc thì cấp phúc thẩm lại xác định đây không phải là hợp đồng tặng cho có điều kiện.

Ngày 25-3-2021, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, tuyên bác các yêu cầu khởi kiện của cụ Nguyễn Văn Phát, sinh năm 1927, ngụ khóm 6, phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Mong muốn lấy lại tài sản bằng cách kiện hủy các hợp đồng tặng cho đất không thành, cụ Phát và người vợ tâm thần 90 tuổi thành người trắng tay. Hiện cụ đã đề nghị cấp giám đốc thẩm xem xét hủy bản án phúc thẩm.

Trẻ cậy cha, già cậy con

Cụ Phát năm nay 94 tuổi. Khi gần tuổi 90, bắt đầu không thể tự chăm sóc, vợ chồng cụ gọi con gái là bà Nguyễn Thị Tiến đến ở cùng. Ngày 13-12-2016, vợ chồng cụ Phát ký hợp đồng tặng cho con gái toàn bộ tài sản của mình, bao gồm 685,6 m2 đất và nhà cửa trên đất mà cụ đang ở.

Ngày 12-5-2017, bà Tiến được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gồm hai giấy chủ quyền đất có diện tích là 477,2 m2 và 96 m2. Bà Tiến cất một căn nhà để cho thuê trên phần đất 96 m2.

Tuổi già, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Phát chỉ mong nương tựa vào con sau khi đã tặng cho con nhà, đất - tài sản duy nhất của mình. Ảnh: TRẦN VŨ

Sau khi được tặng tài sản khoảng hai tháng, bà Tiến họp gia đình. Bà Tiến cho biết do mình bệnh nhiều, không thể chăm sóc cha mẹ đến suốt đời như đã hứa. Từ đó bà đề xuất và được cả nhà thống nhất là nhường lại phần đất 477,2 m2 cho vợ chồng anh ruột là Nguyễn Văn Việt, để vợ chồng người anh gánh trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ.

Cụ Phát kêu con gái làm thủ tục tặng cho phần đất 477,2 m2. Ngày 28-7-2017, vợ chồng ông Việt được cấp giấy chứng nhận phần đất này.

Tuy nhiên, theo cụ Phát thì mới được sáu tháng, vợ chồng ông Việt không còn quan tâm chăm sóc nữa mà có thái độ và lời nói không kính trọng. Sau đó vợ chồng ông Việt bỏ đi, với lý do bị cha mẹ khó khăn, xúc phạm nhiều lần.

Ông Việt không chăm sóc cha mẹ nữa, cũng không đồng ý trả lại tài sản do bà Tiến tặng cho nên cụ Phát khởi kiện đòi lại. Cụ đề nghị tòa hủy một phần hợp đồng tặng cho giữa cụ với bà Tiến và hủy hợp đồng tặng cho giữa bà Tiến với anh mình.

“Có ai cho tài sản để thành vô gia cư đâu”

Đứa con nào chịu nuôi vợ chồng tôi đến chết thì tôi cho tài sản. Vậy mà tòa xử việc cho đó là vô điều kiện. Xin hỏi tòa, ai đời có chút tài sản dưỡng già vậy, mang đi cho vô điều kiện để rồi giờ không biết sống ở đâu.

Cụ NGUYỄN VĂN PHÁT

Bị đơn từ chối trả lời báo

Chúng tôi đến nhà của bị đơn Nguyễn Văn Việt ở phường Tân Xuyên, TP Cà Mau. Ban đầu, hai ông bà cũng đồng ý trả lời một số câu hỏi của PV. Tuy nhiên, khi vẫn chưa vào vấn đề chính thì phía con trai ông bà gọi điện thoại không cho trả lời phỏng vấn. Ông Việt và bà Trâm không đồng ý cho PV ghi bất kỳ ý kiến nào, còn buộc PV phải xóa tốc ký và ghi âm nếu có.

Hai cấp tòa phán quyết trái ngược nhau

Bản án sơ thẩm lần một của TAND TP Cà Mau chấp nhận các yêu cầu của cụ Phát nhưng sau đó bị hủy do vi phạm tố tụng.

Đến bản án sơ thẩm lần hai ngày 24-11-2020, HĐXX vẫn đồng quan điểm với HĐXX sơ thẩm lần một, cho rằng vợ chồng cụ Phát cho tài sản không ngoài mục đích có người chăm sóc lúc già yếu. Dù hợp đồng tặng cho không ghi điều kiện này nhưng có nhiều nhân chứng xác nhận. Bà Tiến là người đã nhận lời phụng dưỡng nên được tặng toàn bộ tài sản. Khi không đủ sức khỏe, bà Tiến đã tự nguyện chuyển giao lại phần lớn tài sản để ông Việt tiếp nối trách nhiệm.

VKSND TP Cà Mau và VKSND tỉnh Cà Mau, trong suốt quá trình giải quyết vụ án này đều thống nhất quan điểm buộc ông Việt trả lại tài sản cho cụ Phát là đúng pháp luật, hợp đạo lý.

Ngày 25-3-2021, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm (lần hai) đã phán quyết trái ngược với cấp sơ thẩm. HĐXX lập luận rằng không có biên bản họp gia đình, hợp đồng tặng cho giữa bà Tiến qua ông Việt không ghi là tặng cho có điều kiện. Các nhân chứng trong cuộc họp gia đình có lời khai, tường thuật không khớp nhau về việc ông Việt hứa phụng dưỡng cha mẹ suốt đời.

Về phía ông Việt, ông trình bày rằng không hứa sẽ nuôi cha mẹ suốt đời.

Theo ông Việt thì tháng 6-2017, được cả gia đình thống nhất nên vợ chồng ông về sống chung và chăm sóc cha mẹ. Tháng 3-2018, do cha mẹ khó khăn, xúc phạm vợ chồng ông nên vợ chồng ông bỏ đi. Ông không đồng ý trả lại vì phần đất do bà Tiến cho chứ không phải cha mẹ cho.

Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên bác toàn bộ yêu cầu của cụ Phát.

Hai cụ thiếu sự chăm sóc của gia đình

Tòa xử là căn cứ vào quy định pháp luật. Chúng tôi không can thiệp vào chuyện gia đình của cụ Phát, cũng không bình luận gì về các quyết định của tòa.

Riêng vấn đề của cụ Phát thì quả tình hiện nay hai cụ sống thiếu sự chăm sóc của gia đình. Hiện hai cụ ở riêng, không đứa con nào ở chung chăm sóc. Chỉ có hai người con ở gần cụ và một số hàng xóm chăm lo việc cơm nước cho hai cụ.

Về phía Hội Người cao tuổi, chúng tôi đã qua làm lễ mừng thọ cho hai cụ đúng quy định. Các chế độ người cao tuổi, chúng tôi rà soát thì hai cụ được hưởng đầy đủ.

Ông NGUYỄN THẾ NGUYÊN, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 9, TP Cà Mau

Cụ cho con là để được con phụng dưỡng

Mấy lần xử trước, tòa tuyên trả đất cho cụ Phát ai cũng vui mừng, thấy đúng đắn quá. Vợ chồng cụ Phát còn có bấy nhiêu tài sản dưỡng già. Cả xóm này ai chẳng biết vợ chồng cụ Phát chỉ mong mỏi có một đứa con nào đó chịu chăm sóc hai cụ đến chết thì cụ sẽ cho hết tài sản. Chỉ cần hứa nuôi là cụ sẽ cho liền, chuyển tên luôn.

Cụ đã làm vậy với chị Tiến. Đến ông Việt nhận nuôi thì cụ và chị Tiến đồng ý cho sang tên đứng chủ quyền tức khắc. Vậy mà tòa xử cho đó là cho không điều kiện. Con cái về chăm sóc cha mẹ chưa được một năm rồi giờ không phụng dưỡng nữa mà không trả lại đất được tặng cho thì còn đạo lý gì nữa.

Chị NTT, hàng xóm với cụ Phát

Cho con là để được phụng dưỡng khi tuổi già

Tôi thường qua nói chuyện cho hai cụ đỡ buồn nên cũng biết sự tình. Cán bộ tòa án cấp sơ thẩm cũng đến địa phương xác minh và có gặp tôi. Ý kiến của tôi là tòa án cấp sơ thẩm xử hợp lý. Đạo lý bình thường, ai cũng hiểu là hai cụ chỉ còn lại bấy nhiêu để dưỡng già, thì có lý nào cho không để rồi trắng tay và không có ai nương tựa.

Chị D., ở gần nhà cụ Phát

Con cái phải phụng dưỡng cha mẹ với lòng tôn kính

Có cha mẹ, ông bà cao tuổi là có được sự ấm áp, phước đức cho dòng họ và con cháu. Con cháu nếu biết phụng dưỡng ông bà, cha mẹ thì con cháu sẽ được rất nhiều. Phụng dưỡng là chăm sóc và nuôi dưỡng với lòng tôn kính.

Cái được quan trọng hơn hết là giáo dục con cháu. Con cháu nó thấy cha mẹ hiếu thảo với ông bà, nó sẽ hiếu thảo lại với cha mẹ nó, ông bà nó. Bằng ngược lại thì tai hại.

Một cán bộ phường 9, TP Cà Mau

  • Đất chưa có sổ, có được cho tặng?

    Đất chưa có sổ, có được cho tặng?

    Bố mẹ có cho tôi một mảnh đất, mảnh đất này chưa được cấp giấy chứng nhận.  Xin hỏi, hiện tôi muốn làm sổ đỏ thì thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Trần Vũ (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.