Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)
Thị trường vẫn có nhu cầu
Đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới, khiến chúng ta liên tưởng đến những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trước đây.
Điển hình là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu với sự đổ vỡ của hàng loạt hệ thống ngân hàng, tình trạng đói tín dụng, tình trạng sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, giai đoạn 2007-2008.
Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính ở Mỹ.
Ngay khi bong bóng nhà ở vỡ cuối năm 2005, kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, bong bóng vỡ đã dẫn tới các khoản vay không trả nổi của người đầu tư nhà ở đối với các tổ chức tài chính ở nước này.
Theo TS. Cấn Văn Lực, so với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, những tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản hiện nay có nhiều điểm khác biệt.
Ông Lực cho rằng, trước đây, khi gặp khó khăn thì nhu cầu thị trường sụt giảm ngay lập tức. Nhưng ở đại dịch lần này, thị trường bất động sản dù thiếu nguồn cung, nhưng cầu một số lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, logictics và nhà ở vẫn phát triển tốt.
Khác biệt thứ hai là giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao ở một số phân khúc. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản thời gian qua tương đối dồi dào.
Cũng theo ông Lực, tác động của đại dịch rất khác nhau, như lĩnh vực văn phòng, nghỉ dưỡng, khách sạn rất khó khăn; trong khi các lĩnh vực khác như bất động sản khu công nghiệp, logictics vẫn tốt.
“Về khả năng phục hồi của thị trường, tôi cho rằng rất khả quan bởi những yếu tố như kinh tế của Việt Nam được dự báo phục hồi khá nhanh, sẽ như bật lò xo”, ông Lực nhận định.
Quý 4-2021 được dự báo tăng trưởng phục hồi trở lại khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5%, năm 2022 tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6,5-7%.
Ông Lực cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của đại dịch, mục tiêu của nhà nước vẫn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn trong thời gian tới.
Cần chính sách để bật tăng trở lại
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (HoREA), khẳng định thị trường có khả năng tự phục hồi.
Hiện nay, doanh nghiệp không xin hỗ trợ tiền mà chỉ xin tháo gỡ cơ chế chính sách để có thể bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén chặt.
Ông Châu cũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có quyết sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp một cách thiết thực.
Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 406 quyết định miễn, giảm thuế...
Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Nếu làm được như năm 2013 qua cơ chế cấp bù lãi suất thì 1 đồng cấp bù lãi suất có thể huy động thêm hơn 30 đồng...
Ông Châu đề nghị chính sách này sớm được ban hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, và nhất là cho người mua nhà.
“Chúng tôi mừng vì những tháo gỡ cuối 2020 về đất công xen cài, thế nhưng khâu tổ chức thực hiện chậm. Hiện nay mới chỉ có 10 tỉnh ban hành quyết định, còn ba địa phương trong đó có TP. HCM chưa ban hành”, ông Châu cho biết.
Có những quy trình về đầu tư xây dựng TP đã chỉ đạo sở ngành xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa làm nên hồ sơ dự án bị tắc, giảm nguồn cung dự án, sản phẩm, dẫn tới giá nhà tăng liên tục.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch HoREA, mặc dù Chính phủ cũng đã có những quyết sách như Nghị định 148, Nghị định 69 đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại nhà chung cư cũ nhanh hơn, nhưng hiện những quy định này chưa đi vào cuộc sống.
Nghị định 67 sửa đổi Nghị định 167 về dự án liên quan đất công bị đứng hình lâu nay, đưa ra cửa hẹp tháo gỡ những dự án khó thì UBND tỉnh, thành trình từng dự án lên để xem xét giải quyết.
Ngoài ra, Luật Đầu tư có cơ chế chủ đầu tư được quyền đề xuất đất y tế, giáo dục là giữ lại hay bàn giao nhà nước. Tuy nhiên, thành phố lại làm văn bản hỏi ý kiến các vấn đề thủ tục đầu tư, trong đó có đất y tế, giáo dục vốn đã được quy định rồi.
“Chúng tôi rất mừng vì Chính phủ ngày 5-10 vừa qua đã trình Quốc hội 1 luật, sửa 10 luật, theo đó sẽ tháo gỡ được những vướng mắc”, ông Châu nói.
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho biết trong năm tới, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội sửa bốn luật, gồm Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản và một số điểm trong Luật xây dựng. Và riêng năm nay, Chính phủ đã thống nhất dùng một luật sửa nhiều luật.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, ông đang kiến nghị với TP.HCM rằng trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, xem phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TP.HCM nói riêng.
Theo ông, để hỗ trợ doanh nghiệp cần nhóm chính sách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tất cả các nút thắt, thắt chỗ nào phải gỡ chỗ đó để doanh nghiệp “bung” lên.
“TP.HCM cần có một chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng. Với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, cần chương trình kích cầu lãi suất, thực hiện trong nhiều năm để tạo dòng tiền, kích thích. Lúc này, vai trò kết nối của ngân hàng và doanh nghiệp thông qua chính quyền là rất cần thiết”, ông Lịch nói.
-
Mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung hoàn thiện hạ tầng trọng điểm, kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển. Mục tiêu hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành và ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025....
-
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã đạt gần 109 tỷ USD
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng qua Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với trị giá 108,9 tỷ USD tăng 24% so với cùng kỳ và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD....
-
Dự kiến lập Trung tâm Tài chính quốc tế ở TP.HCM, Trung tâm Tài chính khu vực ở Đà Nẵng
Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, là một trong những quyết sách chính trị lớn để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc....