20/09/2018 7:35 PM
Nằm ở vị trí đắc địa và được đầu tư kinh phí lớn nhưng công viên nước Hồ Tây- nơi vừa xảy ra vụ 7 người chết tại lễ hội âm nhạc Trip to the moon tối 16.9, lại luôn ở trong tình trạng làm ăn thua lỗ sau gần 20 năm đi vào hoạt động.

Công viên nước Hồ Tây được khai trương và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19.5.2000 với quy mô 6,4ha, gồm 14 khu trò chơi.

Công viên Hồ Tây do Công ty Cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội (Haseco) làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội là đơn vị quản lý. Trong 18 năm đi vào hoạt động, đơn vị này liên tục bị đánh giá kinh doanh kém hiệu quả và bị đem ra so sánh với đơn vị hoạt động cùng lĩnh vực là công viên nước Đầm Sen.

Dù cùng xuất phát điểm với quy mô đầu tư tài sản chưa bằng một nửa, nhưng lợi nhuận Công viên nước Đầm Sen thu về gấp hàng chục lần so với Công viên Hồ Tây và doanh thu liên tục được cải thiện qua các năm.

Nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm của thủ đô nhưng hoạt động kinh doanh của Công viên Hồ Tây lại không thể bứt phá. Kết thúc năm 2016, Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội ghi nhận doanh thu gần 130 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế tiếp tục giảm còn gần 4 tỉ đồng so với mức 5 tỉ đồng năm 2015.

Trong 6 năm gần đây, mặc dù doanh thu của Công viên Hồ Tây tăng liên tục từ mức 93 tỉ đồng lên 130 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ còn chưa tới một phần ba so với mức 15 tỉ đồng của năm 2011. Trong khi đó, Đầm Sen cải thiện lợi nhuận không ngừng (sau 5 năm, con số này tăng từ 57 tỉ đồng lên 76 tỉ đồng).

Trả lời báo chí, lãnh đạo của đơn vị này cho rằng, đặc thù của hoạt động kinh doanh công viên nước là chỉ mang tính mùa vụ, kéo dài từ tháng 4 đến đầu tháng 9 hàng năm. Do thời gian hoạt động kinh doanh trong năm rất ngắn ngủi nên trong nhiều năm đầu hoạt động, Công viên Nước Hồ Tây luôn thua lỗ.

Ngay cả khi Công viên được đầu tư thêm khu giải trí trên cạn - Công viên Mặt trời Mới - với nhiều trò chơi hấp dẫn, song tình hình kinh doanh vẫn không tăng trưởng. Doanh thu của Công viên Mặt trời mới chỉ loanh quanh ở mức 10 tỉ đồng/năm.

Lượt du khách đến Công viên Hồ Tây giảm mạnh từ mức 650.000 lượt vào năm 2012 xuống còn hơn 500.000 lượt vào năm 2016. Riêng khu vực công viên nước, lượng khách từ mức gần 567.000 lượt vào năm 2012 thì đến 2016 chỉ còn gần 340.000 lượt khách tham gia dịch vụ.

Theo nhiều khách hàng, công viên nước Hồ Tây những năm gần đây không đổi mới, trò chơi cũ và "nghèo nàn", do đó, ít người có ý định quay lại do không tìm được cảm giác mới mẻ.

Lễ hội âm nhạc Trip to the moon vừa qua cũng là một hoạt động giúp đơn vị này tăng thêm doanh thu.

Liên quan sự việc, đại diện công viên nước Hồ Tây cho hay, phía công viên chỉ là đơn vị cho thuê địa điểm, còn tổ chức sự kiện là một đơn vị khác. Công viên nước cũng đang phối hợp với cơ quan điều tra để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Song sự cố nghiêm trọng xảy ra trong chương trình này đang khiến cho Công viên nước Hồ Tây bị ảnh hưởng không nhỏ. Chắc hẳn phải rất lâu sau, người Hà Nội mới có thể tạm quên đi những ký ức đáng buồn xảy ra tại địa điểm này.

P.D (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.