Ngày 27/11, Tổng công ty Thép Việt Nam phê duyệt phương án bán toàn bộ cổ phần tại Công ty CP Vicasa - Vnsteel (Mã: VCA), tương đương 65% vốn.
Sau đó, từ phiên giao dịch ngày 28/11 đến 12/12, cổ phiếu VCA tăng trần 11 phiên liên tục lên mức 17.600 đồng/cổ phiếu và đóng cửa trong trạng thái không có bên bán. Trong khi đó, khối lượng dư mua tại giá trần luôn rất cao, khoảng 50.000 cổ phiếu.
Thanh khoản giao dịch của cổ phiếu VCA trước đây không cao do cơ cấu cổ đông tương đối cô đặc, khi Tổng công ty Thép Việt Nam nắm lượng lớn cổ phần.
Điển hình như trong tháng 11, VCA ghi nhận đến 12 phiên không có cổ phiếu nào được sang tay thành công. Tuy nhiên bước sang tháng 12, thanh khoản bùng nổ khi mỗi phiên khớp lệnh không dưới 10.000 cổ phiếu.
Cá biệt phiên giao dịch ngày 12/12, khối lượng đặt lệnh mua lên đến 423.000 cổ phiếu. Hơn 263.000 cổ phiếu trong số này khớp lệnh thành công.
Đại diện Thép Vicasa, ông Ngô Tiến Thọ, Tổng Giám đốc công ty lý giải rằng giá cổ phiếu VCA biến động hoàn toàn được quyết định bởi cung - cầu của thị trường.
Các quyết định của nhà đầu tư liên quan đến cổ phiếu VCA không nằm trong phạm vi kiểm soát của công ty. Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty duy trì ổn định, không có gì bất thường.
"Công ty không tham gia, can thiệp hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu trên thị trường", Thép Vicasa nêu trong công văn giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tổng công ty Thép Việt Nam dự kiến đấu giá công khai 65% vốn sở hữu tại Thép Vicasa, với giá thấp nhất 24.158 đồng/cổ phiếu. Đối tượng tham gia là các nhà đầu tư trong nước, thời gian hoàn tất từ quý 4/2024 đến quý 1/2025.
Ngoài Tổng công ty Thép Việt Nam, Thép Vicasa còn một cổ đông lớn, là Công ty Thép Đà Nẵng sở hữu 7,14%.
Thép Vicasa gặp khó với bài toán di dời nhà máy ra khỏi KCN Biên Hòa 1 - nơi sẽ trở thành khu đô thị, thương mại lớn của Đồng Nai
Về kết quả kinh doanh, sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm làm doanh thu thuần của công ty này trong quý 3/2024 giảm gần 2% so với cùng kỳ, đạt 383 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí quản lý tăng do điều chỉnh giảm phân bổ tiền thuê đất đã trích và chi cho trợ cấp thôi việc.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Vicasa ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 3,5 tỷ đồng.
Thép Vicasa thành lập năm 1967, trụ sở chính tại Biên Hòa, Đồng Nai. Bên cạnh kết quả kinh doanh, một điểm khó khăn đang phải đối diện của Thép Vicasa trong thời gian tới nữa là việc nhà máy hiện đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, tỉnh Ðồng Nai. Khu công nghiệp này đã được Chính phủ đồng ý chủ trương di dời và chuyển đổi thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.
Doanh nghiệp này cho biết, ngày 22/2/2012, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định về việc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ tại phường An Bình, TP Biên Hòa. Do công ty có nhà máy thuộc phạm vi quy hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai nên phải di dời nhà máy ra khỏi KCN Biên Hòa 1.
HĐQT Thép Vicasa có chủ trương di dời nhà máy về KCN Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Phú, tỉnh Đồng Nai và đã được Tổng Công ty Thép Việt Nam chấp nhận.
Theo kế hoạch, Thép Vicasa sẽ di dời vào giai đoạn 3, từ năm 2022 đến năm 2025. Tuy nhiên, theo công văn ngày 7/12/2023 của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai về thời gian thực hiện di dời các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1, công ty thép này trong diện di dời giai đoạn 2 nên phải hoàn thành di dời trước tháng 12/2025.
Thép Vicasa cho biết hiện đang xây dựng dự thảo phương án di dời để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt cũng như đề xuất ý kiến về việc cho giãn thời gian dì dời nhà máy ra khỏi KCN Biên Hòa 1 phù hợp với tình hình thực tế của công ty.
Tháng 2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Đề án sẽ được tách hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 thành hai hồ sơ với quy mô cụ thể từng dự án.
Cụ thể, dự án khu vực Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Đồng Nai với quy mô diện tích khoảng 44 ha. Hiện nay, tại khu vực này đang triển khai các dự án Trụ sở Công an tỉnh Đồng Nai với diện tích gần 6 ha và Trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII diện tích 0,5 ha.
Đối với dự án Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích hơn 286 ha, trong đó có hai công trình hiện hữu đề xuất giữ lại gồm tòa nhà Sonadezi, diện tích khoảng 1,2 ha và Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, diện tích khoảng 2,2 ha.
Được biết, KCN Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành KCN Biên Hòa 1. Theo dự kiến, việc di dời các doanh nghiệp khỏi KCN Biên Hòa 1 sẽ hoàn thành trong tháng 12/2025.
-
Hòa Phát giữa áp lực thép giá rẻ Trung Quốc và kỳ vọng đột phá từ “cú đấm thép” 85.000 tỷ đồng
Giá thép suy yếu dưới tác động thị trường Trung Quốc cùng nguy cơ thuế nhập khẩu từ Mỹ tạo nên sức ép lớn cho Hòa Phát. Nhưng giữa vòng xoáy cạnh tranh toàn cầu, đà tăng trưởng từ nhu cầu thép trong nước và dự án Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ giúp doan...
-
Kỳ vọng gì với "game" thoái vốn Nhà nước tại Công ty thép 57 năm tuổi có trụ sở ở Đồng Nai?
Mặc dù tăng hơn 105% chỉ sau hai tuần, thị giá hiện tại của cổ phiếu Thép Vicasa vẫn thấp hơn 27% so với mức giá thoái vốn dự kiến.
-
Cổ phiếu tăng trần liên tục bất chấp kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp giải trình “không biết nguyên nhân”
Cổ phiếu tăng trần hơn 5 phiên liên tục khiến doanh nghiệp thép này phải giải trình theo quy định.