CafeLand - Trong 12 tháng qua, TP.HCM đã vượt qua Singapore, Kuala Lumpur, Manila, Jakarta và Bangkok để trở thành điểm đến hàng đầu thu hút các nhà đầu tư công nghệ, theo JLL.

Giải thích cho sự tăng trưởng vượt trội này, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại JLL Việt Nam cho biết có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất do chính sách phát triển của chính phủ, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp trẻ bắt đầu khởi nghiệp.

Thứ hai, mức độ dân số cũng như sự cải thiện về trình độ giáo dục cũng khiến cho lớp người trẻ ở TP.HCM ngày càng hứng thú hơn với công nghệ và chú trọng phát triển các công ty này.

Thứ 3 là xu hướng phát triển của thương mại điện tử, nền công nghiệp này đang dần chú trọng vào thị trường Việt Nam, giúp cho sản lượng sàn văn phòng ở TP.HCM ngày càng tăng trưởng rõ rệt.

Tổng diện tích văn phòng cho thuê ước tính của các công ty công nghệ

Nhấn mạnh công nghệ thông tin, thương mại điện tử và không gian linh hoạt là 3 nhóm ngành đang thúc đẩy nhu cầu thuê văn phòng trong 3 năm qua, JLL dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong 5 năm tới.

“Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử và không gian linh hoạt phát triển nhanh nhất trong khu vực. Xu hướng này sẽ có tác động tích cực đến thị trường văn phòng bởi lẽ các công ty trong và ngoài nước sẽ tiếp tục tìm kiếm vị trí phù hợp để đặt văn phòng tại một thị trường có nền kinh tế đầy hứa hẹn”, ông Stephen nói.

Bên cạnh đó, không gian linh hoạt và văn phòng chia sẻ cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu gia tăng. Phân khúc không gian linh hoạt đã tăng khoảng 40% mỗi năm trong 3 năm qua và hiện đang chiếm 2% tỷ lệ hấp thụ sàn văn phòng trong khu vực Đông Nam Á, so với mức 0,5% thời điểm 2015.

TP.HCM cũng đang đứng thứ 4 ở Đông Nam Á về số lượng không gian văn phòng làm việc linh hoạt tính theo mét vuông. Indochina Capital, chủ sở hữu tòa nhà văn phòng hạng A Indochina Plaza Hà Nội đã đầu tư vào Toong, công ty coworking lớn nhất Việt Nam vào năm 2017. Toong cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với CapitaLand để phát triển không gian làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau. Son Kim Land đã khai thác không gian trong tòa nhà Empress Building với coworking đầu tiên của họ có tên gọi Empress Business Centre. Tập đoàn Trung Thủy, chủ nhân của tòa cao ốc Miss Ao Dai và Dreamplex Building cũng đã thành lập coworking Dreamplex.

Tính đến hết quý 2/2018, tổng diện tích văn phòng tại TP.HCM tăng lên hơn 1,9 triệu m2, với tỷ lệ hấp thụ của các loại văn phòng hạng A và hạng B đứng ở mức cao trên 95%.

Giá thuê tiếp tục tăng đều thúc đẩy bởi nguồn cầu ổn định và chất lượng xây dựng tốt hơn của các tòa nhà tương lai. Một lượng lớn các tòa nhà hạng B chất lượng cao dự kiến hoàn thành vào năm 2020 có thể sẽ gây áp lực lên thị trường hạng A, đặc biệt là các dự án lâu đời đang dần xuống cấp.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến tại Đông Nam Á, JLL dự báo các tập đoàn công nghệ sẽ tiếp tục tìm thuê văn phòng và sẽ lấp đầy 15-25% tổng sàn văn phòng hàng năm trong thập kỷ tới, so với mức 5-10% của 3 năm trước.

Qua quan sát của JLL, hiện nay tại các thành phố, yếu tố tiên quyết mà các công ty công nghệ hướng đến là khả năng kết nối giao thông, môi trường làm việc tích hợp với mục tiêu sống, vui chơi và làm việc, nhằm khai phá sự sáng tạo của nhân viên.

“Các công ty công nghệ vẫn không ngừng tìm kiếm không gian văn phòng chất lượng cao nhằm thu hút tài năng, chính vì vậy, chủ đầu tư tại các thành phố Đông Nam Á cần phải cân nhắc đến những nhu cầu mà nhóm khách hàng này mong muốn”, JLL dự báo.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.