CafeLand - Phát triển công trình xanh là một xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam bởi những giá trị mà loại hình này mang lại cho với chủ đầu tư, cư dân và cộng đồng xã hội. Thế nhưng trên thực tế, tại Việt Nam, những chủ đầu tư đi theo xu hướng này vẫn đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chính theo các chuyên gia là do nhận thức về lợi ích của các bên liên quan.

Giá trị trong đầu tư xanh

PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Đô thị Xanh Việt Nam, cho biết khi người lao động được ở trong những ngôi nhà xanh, sức khoẻ được đảm bảo thì chắc chắn năng suất lao động được cải thiện, giảm số ngày ốm nghỉ việc. Do đó, thu nhập của người lao động sẽ tăng hơn khoảng 5%.

Một lợi ích gián tiếp do các nhà ở xanh mang lại được ông Nguyên chỉ ra, đó là giúp giảm nhu cầu về các tiện ích sinh hoạt đô thị, như cấp điện, cấp khí đốt và nước sạch. “Điều này dẫn đến chi phí tiện ích đô thị thấp hơn trong dài hạn (không cần phải mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị về cấp điện, khí đốt, cấp, thoát nước…). Đây là lợi ích công cộng, nhà đầu tư nhà ở xanh không trực tiếp hưởng thụ lợi ích này nhưng cư dân sẽ được hưởng lợi trong quá trình công trình nhà ở vận hành”, ông Nguyên cho biết.

Ngoài ra, một trong những giá trị lớn nhất của nhà ở xanh là người sống và làm việc trong các công trình này sẽ có sức khoẻ tốt hơn. Hội chứng bệnh sống trong nhà đóng kín cửa (indoor generation), sử dụng điều hoà không khí và ánh sáng điện ban ngày, như là đau đầu, chóng mặt, toàn thân mệt mỏi, trầm cảm… là một vấn đề nan giải trong nhiều thập kỷ qua.

Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ ước tính, ô nhiễm không khí trong nhà đóng cửa có thể tồi tệ hơn từ 2 đến 5 lần, đôi khi tới 100 lần so với chất lượng không khí ngoài trời.

Công trình xanh mang lại nhiều giá trị cho cư dân, chủ đầu tư và cộng đồng xã hội.

Trong số 146.000 trường hợp tử vong ung thư phổi vào năm 1995 có 21.100 trường hợp đã được xác định liên quan đến ô nhiễm khí radon bên trong các toà nhà. Khoảng 20 triệu người (trong đó hơn 6 triệu trẻ em) bị hen suyễn, có thể bị kích hoạt bởi các chất ô nhiễm trong nhà thường được tìm thấy trong các nhà không phải là nhà ở xanh. Chi phí y tế điều trị bệnh cho những người này ở Hoa Kỳ đã lên tới hàng triệu đô la mỗi tháng.

“Sống và làm việc trong các nhà ở xanh tránh được những vấn đề ô nhiễm như trên do sử dụng các hệ thống thông gió lành mạnh, tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng vật liệu xây dựng nội thất không độc hại”, ông Nguyên cho biết.

Xét về lợi ích kinh tế, ông Nguyên cho rằng nhà ở xanh có giá trị thường cao hơn nhà thông thường, vì hiệu quả sử dụng năng lượng và nước sạch cao, chất lượng môi trường sống tốt hơn, chi phí vận hành thấp và có tính bền vững. Với những lợi ích trên, sản phẩm nhà ở sẽ được khách hàng ưa chuộng, còn nhà đầu tư thu hút được nhiều hiệu quả kinh tế.

Theo ước tính, ở Việt Nam nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc xanh kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại, thì chi phí đầu tư cho nhà ở xanh cao hơn công trình thông thường cùng loại bình quân khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%. Nhưng chi phí vận hành, sử dụng nhà ở xanh sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20 - 30% do tiết kiệm năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó, chỉ sau 4 - 5 năm vận hành nhà ở xanh, số tiền tiết kiệm được có thể bù đắp vốn đầu tư và tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn.

Đáng chú ý, ở hầu hết các nước đã phát triển các công trình xanh đặc biệt là nhà ở xanh đều thực hiện chính sách ưu đãi giảm thuế nhằm khuyến khích việc thiết kế và xây dựng theo hướng hiệu quả năng lượng và bền vững.

Ngoài ra, do sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là phát triển sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió) cho nên nhà ở xanh sẽ có tác dụng làm giảm thiểu tới khoảng 30% phát thải “khí nhà kinh, khí ô nhiễm” của ngành xây dựng, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu và mưa axít.

Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư vẫn e ngại thực hiện các dự án xanh.

Do đâu nhà ở xanh vẫn vắng bóng?

Mặc dù nhà ở xanh luôn được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, nhưng theo Giám đốc điều hành Viện Đô thị Xanh Việt Nam, hiện nay vẫn tồn tại nhiều yếu tố hạn chế và cản trở. Trong đó thách thức lớn nhất chính là nhận thức từ lợi ích từ các bên tham gia.

“Điều này khiến cho các công trình nhà ở xanh hiện nay còn vắng bóng và nhiều công trình nhà ở được xây dựng lên không đạt được những giá trị đáng lẽ ra có được”, ông Nguyên đánh giá.

Tuy nhiên, một lý do khác chiếm tỷ lệ đến 80%, đó là nhận thức thiếu chính xác đặc biệt về chi phí đầu tư ban đầu. “Đa số các chủ đầu tư đều ngộ nhận chi phí phát sinh khi xây dựng nhà ở xanh từ 20 – 30%”, ông Nguyên cho biết.

Tuy nhiên trái ngược hoàn toàn với quan niệm “xây dựng nhà xanh rất tốn kém”, theo nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế, chi phí gia tăng khi thực hiện nhà ở xanh so với công trình thông thường thường chỉ dao động từ 0,4% - 12,5% tổng chi phí đầu tư. Riêng tại Việt Nam, dựa trên khảo sát chi phí gia tăng trung bình chỉ là 1,8% - 2%.

Trong khi đó, ông Yoan Guyon, Giám đốc Phát triển kinh doanh, chuyên gia tư vấn vận hành công trình thuộc Công ty Boydens Việt Nam, cho rằng hầu hết các chủ đầu tư ở Việt Nam vẫn còn e ngại với việc đầu tư phát triển công trình xanh, công trình bền vững, vì hiệu quả đầu tư chưa được chứng minh một cách rõ ràng.

Điều quan trọng là khi đầu tư vào công trình xanh, chủ đầu tư cần cung cấp những bằng chứng và chỉ rõ cho người mua nhà những lợi ích và hiệu quả vượt trội của công trình để họ có thể đưa ra quyết định lựa chọn dễ dàng hơn. Có như vậy, công trình xanh mới có thể tồn tại và phát triển được. Nó cũng đóng vai trò như dòng sản phẩm mới giúp các chủ đầu tư giảm áp lực cạnh tranh trong giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cho biết phát triển đô thị xanh và công trình xanh là một nội dung trong Chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh. Đầu tư vào công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao (giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng)…

Chính vì vậy, theo ông Dũng, cần vận động và hỗ trợ phát triển nhà ở xanh một cách rộng rãi tới phân khúc các dự án khu dân cư, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại các đô thị. Hiện nay, phần lớn các công trình và khu nhà đạt tiêu chí “xanh” thuộc phân khúc nhà ở thương mại tiêu chuẩn cao cấp, biệt thự gia đình có thu nhập cao.

Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, các chương trình phát triển đô thị xanh và đô thị bền vững, phát triển nhà ở xanh cần được các chính quyền đô thị coi trọng là mục tiêu phát triển mang tính chiến lược ưu tiên trước mắt trong lộ trình phát triển thành phố thông minh.

  • Nhiều tồn tại PCCC ở chung cư cao cấp đạt giải ‘Công trình xanh tốt nhất’

    Nhiều tồn tại PCCC ở chung cư cao cấp đạt giải ‘Công trình xanh tốt nhất’

    Ngày 16/5, Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các điều kiện về PCCC đối với Khu chung cư Ecolife Capitol (58 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là chung cư cao cấp mới đi vào sử dụng tuy nhiên trong quá trình kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện còn không ít tồn tại về PCCC tại Khu chung cư đạt giải thưởng “Công trình xanh tốt nhất” này.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.