CafeLand - Sau 3 ngày xôn xao, rốt cuộc dư luận đã tạm lắng lại khi cô Trần Thị Yến Minh, con gái ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng quyết định trả lô đất chuyển đổi từ suất đất tái định cư của mình. Phía sau trường hợp này của cô Yến Minh, dư luận Đà Nẵng không thể không đặt câu hỏi về thực trạng quản lý đất quy hoạch của địa phương.

Không ít ý kiến của những người trong giới kinh doanh bất động sản cho rằng, trường hợp cô Yến Minh chỉ là một điển hình trong nhiều sự vụ từng xảy ra ở thành phố này, suốt 18 năm đô thị hóa đã qua. Chung quy, thực trạng quản lý có phần lỏng lẻo của địa phương về quy hoạch quỹ đất đô thị, là không thể không nhìn thấy.

Sự việc từ quá khứ?

Sự thật với Đà Nẵng, là kể từ sau năm 1997, thành phố này đã có một cuộc vận động lớn về chỉnh trang đô thị, với hàng trăm chủ trương, dự án vận động... được thực thi. Qua 5 “đời” Chủ tịch, Đà Nẵng trở thành một thành phố hiện đại, khang trang, quy hoạch ngăn nắp và mở rộng.

Đà Nẵng từ một thành phố co cụm chưa quá 8 km quanh sông Hàn, đã trải rộng bán kính trên 15 km, có hàng ngàn hecta đất chuyển đổi, từ đất nông nghiệp lên thổ cư, từ đất giá rẻ vùng ven lên đường phố đô thị loại 1...

Để có kết quả đó, chính quyền Đà Nẵng đã có tinh thần “mở” rất lớn, chấp nhận các chiến lược như “đổi đất lấy hạ tầng”, chọn “công nghiệp hóa đô thị” làm mũi nhọn. Một thời gian dài, việc chỉnh trang quy hoạch, khai thác quỹ đất là trọng tâm đầu tư của địa phương, ngành xây dựng chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư kinh tế của Đà Nẵng.

Các đầu mối quỹ đất Đà Nẵng vì thế trở nên đa dạng hóa, được ưu tiên tạo điều kiện hoạt động. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản... được hỗ trợ tối đa. Nhất là từ năm 2007, Đà Nẵng “mở bờ Đông”, biến bán đảo Sơn Trà thành công trường, các lô đất ven biển đều được khai thác, gây ra cơn sốt “bất động sản du lịch” khắp duyên hải miền Trung và vươn tầm cả nước.

Chính quyền Đà Nẵng đang quyết liệt chấn chỉnh lại tình hình quản lý quỹ đất lỏng lẻo trong quá khứ

Hệ quả tinh thần cởi mở đó, Đà Nẵng đã nhiều năm có dấu hiệu buông lỏng quản lý quỹ đất. Sở Địa chính, nay là Sở Tài nguyên Môi trường, hầu như chỉ quản lý phần đất quy hoạch theo các dự án do Đà Nẵng đầu tư. Còn quỹ đất thương mại, đều do các ban quản lý và doanh nghiệp theo dõi. Thống kê quỹ đất địa phương phải cộng từ nhiều nguồn dữ liệu mới có được con số tương đối phục vụ công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Bởi thực trạng đó, đã nhiều năm, hiện tượng bố trí, quy hoạch đất theo cảm tính, quan hệ... diễn ra phổ biến ở Đà Nẵng. Nhiều đối tượng là công chức, viên chức, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể, chỉ cần có đơn thư, dự án đầu tư... là được cấp đất ngay. Một lãnh đạo Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng nhìn nhận: “Có cả nhà báo, nhà thơ chỉ cần gởi đơn xin hỗ trợ nhà ở, là chính quyền duyệt đất ngay, hay chỉ thu tiền cấp quyền sử dụng đất ở với giá thấp hơn thị trường rất nhiều”.

Cho nên, khi báo chí đưa tin con gái Bí thư Thành ủy Đà Nẵng “được ưu tiên” chuyển đổi lô đất tái định cư từ phía Bắc thành phố về khu trung tâm, dư luận giới bất động sản địa phương không thắc mắc nhiều.

“Chuyện cô Minh, cũng như ông Nguyễn Ngôn trưởng ban quản lý tái định cư bố trí đất cho vợ, đều không hề lạ do cách quản lý quỹ đất mà Đà Nẵng đã để tồn tại nhiều năm”. Một giám đốc công ty hạ tầng Đà Nẵng nhìn nhận.

Bước ngoặc chấn chỉnh?

Thực trạng quản lý quỹ đất đó, chỉ chính thức được chỉnh đốn từ đầu năm 2015, do... chính Bí thư Đà Nẵng, ông Trần Thọ tiến hành. Nhìn nhận vấn đề này, ông Trần Thọ khẳng định, không chấp nhận những số liệu mơ hồ về các dự án phát triển đô thị, tái định cư, từ tháng 01/2015, ông yêu cầu quy tụ đầu mối quỹ đất Đà Nẵng về trung tâm quản lý thuộc Sở Tài nguyên Môi trường. Việc này chấm dứt “tình trạng cát cứ” của các ban quản lý, và các doanh nghiệp có dự án đầu tư bất động sản lớn trên địa bàn.

Câu chuyện quản lý quỹ đất quy hoạch tại Đà Nẵng vẫn đang có những diễn tiến mới

Chỉ trong một thời gian ngắn, thực trạng quản lý quỹ đất Đà Nẵng thay đổi. Địa phương lần lượt kiểm tra, tu chỉnh hiện trạng bố trí tái định cư trên địa bàn, thúc đẩy các khu tái định cư đi vào hoạt động, rà soát các dự án đầu tư bất động sản lớn “đăng ký xong để đó”. Nhiều lô đất ven biển, trong khu trung tâm Đà Nẵng, vốn để dây dưa qua nhiều thế hệ quản lý, đã buộc phải “chốt hạ” triển khai, nếu không sẽ bị thu hồi. Quốc Cường Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai... là những đơn vị đã có các dự án phải trả lại cho địa phương như vậy. Mới đây, khu CNTT tập trung, 1 dự án có tính chiến lược của Đà Nẵng nhưng chậm triển khai, đã bị thu hồi. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài, Bến du thuyền ở bờ Tây sông Hàn của công ty TNHH I.V.C. cũng bị xem xét trong tình cảnh tương tự. Con số hàng trăm lô đất “bị ém nhẹm” ở Đà Nẵng có khả năng sẽ được làm rõ trong thời gian đến.

Sự việc thông tin rộ lên về trường hợp cô Yến Minh, con gái ông Trần Thọ, “nhận đất ưu tiên”, vì thế được nhìn nhận là “phản ứng của giới đầu tư bất động sản địa phương” trước động thái kiên quyết chấn chỉnh của người đứng đầu chính quyền. Song với việc trả lại đất, con gái ông Bí thư đã bổ trợ cho quyết định “làm mạnh về quản lý” của ông Trần Thọ.

Sau trường hợp điển hình này, lựa chọn xử lý minh bạch các trường hợp bố trí đất tái định cư, đất đầu tư thiếu chuẩn trong quá khứ tại Đà Nẵng, chắc chắn sẽ là hành động không dừng của tập thể lãnh đạo địa phương.

Hiện trạng quỹ đất Đà Nẵng, vì thế đang chuẩn bị đi vào một cao trào mới!

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.