Cụ thể như dự án 750 triệu USD của Công ty TNHH Water Front Đồng Nai (được cấp phép vào tháng 4/2008) tính đến cuối năm 2010 giải ngân được trên 90 triệu USD (riêng năm 2011 thêm 12 triệu USD). Trong khi đó, dự án 518,7 triệu USD do Công ty TNHH Aqua City làm chủ đầu tư có mức giải ngân 50,3 triệu USD (năm 2011 thêm 7,6 triệu USD).
Riêng dự án 2 tỷ USD Trung tâm Thành phố mới Nhơn Trạch của Công ty TNHH Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya được cấp phép tháng 10/2009, tính đến cuối tháng 12/2011 chỉ giải ngân được hơn 1 triệu USD. Hầu hết các dự án này nếu không đang trong quá trình giải phóng mặt bằng thì cũng nằm vào khâu... tiến hành đo đạc.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Berjaya Việt Nam, chủ đầu tư của 9 dự án lớn tại Việt Nam, cũng thừa nhận, đa phần dự án của Berjaya phải điều chỉnh về tiến độ, bởi thời điểm triển khai và quy mô của từng dự án phải tùy thuộc vào thị trường chứ không phải bằng bất cứ yếu tố hành chính hay uy tín.
Dù uy tín là điều quan trọng, nhưng cũng không nên làm điều gì đó chỉ vì nghĩ đến uy tín mà không lường trước những hậu quả có thể xảy ra. Trong năm qua, Công ty Berjaya Việt Nam và đối tác D2D đã tiến hành điều chỉnh tiến độ dự án khu phức hợp Biên Hòa Square (Đồng Nai) đến năm 2018, thay vì trong 3 năm (từ 2008 - 2011) như trước.
“Nếu không triển khai các dự án, Berjaya Việt Nam sẽ xin trả lại dự án và cam kết trở lại khi thị trường tốt hơn”, đại diện của nhà đầu tư này khẳng định.
Ông
Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn
cầu (GIBC), cũng đã từng nhìn nhận, trường hợp chúng ta “mạnh tay” thu
hồi trên 200 dự án (nếu không triển khai) sẽ đồng nghĩa với việc mất
hàng chục tỷ USD.
Như vậy, xét ở góc độ quy định pháp luật, chúng
ta đúng, với áp lực của truyền thông, nhiều nhà đầu tư buộc phải triển
khai dự án nhưng bán cho ai và vốn lấy ở đâu...? Khi đó, chúng ta đang
đổ một lượng vốn vào đây nhưng tính thanh khoản không có, tức tiêu dùng
không đi vào thị trường.
Tuy nhiên, nếu anh đã là chủ đầu tư dự
án, cũng cần phải tự đặt câu hỏi là tại sao trong thời buổi khủng hoảng
này lại có “kẻ” lắm tiền đi gom dự án? Hay trải qua nhiều cuộc khủng
hoảng kinh tế, không ít nhà đầu tư vẫn sống khỏe? Phải chăng họ chọn
đúng điểm rơi và thuộc lòng khẩu hiệu “liệu cơm gắp mắm”?