Chuyện có hay không gói tín dụng mới dành cho bất động sản và nếu có thì “khi nào” có lẽ chỉ làm nóng giới truyền thông và các nhà đầu tư chứng khoán, chứ không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch trên thị trường. Bởi với những người có nhu cầu thực, việc họ có tham gia thị trường hay không phụ thuộc vào yếu tố khác.

Gói tín dụng mới làm nóng… giới truyền thông

Theo những gì mà báo chí tìm hiểu, khởi nguồn của “gói tín dụng mới” này là đề xuất của Ngân hàng Xây dựng, khi đưa ra kế hoạch liên minh với bốn ngân hàng thương mại nhà nước để xây dựng một gói tín dụng dành riêng cho bất động sản. Giá trị của gói tín dụng có thể từ 70 ngàn tỉ đồng tới 100 ngàn tỉ đồng.

Điểm khác biệt ở đây là thay vì một ngân hàng cho vay trực tiếp tới khách hàng thì các ngân hàng phối hợp với nhau, để đảm bảo đồng vốn cho vay đến đúng địa chỉ, không thất thoát và phát huy được hiệu quả.

Nếu trở thành hiện thực, gói tín dụng này sẽ là hoạt động cho vay thương mại với lãi suất cho vay bình thường. Các ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ thẩm định, cấp tín dụng theo đúng các quy định, chứ không có chính sách hỗ trợ lãi suất như gói 30 ngàn tỉ đồng của Chính phủ, đang được Ngân hàng Nhà nước và năm ngân hàng thương mại nhà nước triển khai.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết không có chuyện gói tín dụng nói trên được triển khai thông qua đề án thành lập một cơ quan hay ngân hàng tái cho vay thế chấp nhà ở.

Bên cạnh việc hối thúc các ngân hàng thương mại nhà nước đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30 ngàn tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu phương án sản phẩm cho vay theo mô hình liên kết bốn nhà (ngân hàng, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng và chủ đầu tư) nhằm quản lý dòng tiền trong lĩnh vực xây dựng.

Ý tưởng này còn trong giai đoạn nghiên cứu nhưng nếu thành hiện thực thì dòng tiền từ ngân hàng đến tay chủ đầu tư, các đơn vị thi công, cung cấp vật liệu xây dựng sẽ được giám sát để đảm bảo đến đúng nơi cần, tránh thất thoát, từ đó có tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Dù có hay không gói tín dụng mới, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải chịu sức ép phải điều chỉnh thủ tục vay vốn để gói 30 ngàn tỉ đồng được giải ngân nhanh chóng. Đã có nhiều ý kiến phản hồi rằng hãy để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, đừng can thiệp bằng các gói tín dụng mang tính hỗ trợ nữa.

Lập luận được đưa ra là một khi giá nhà đất chưa giảm tới mức phù hợp với nhu cầu của người mua, cung – cầu chưa gặp nhau thì thị trường sẽ còn “đóng băng” và ngược lại. Nếu bơm thêm tiền cho bất động sản, có thể lại khiến giá địa ốc tăng lên, gây khó cho người mua và ảnh hưởng đến sự phục hồi vững chắc của thị trường.

Các sản phẩm bất động sản của khu đông TP.HCM được hưởng lợi nhờ hạ tầng.

Sự trợ giúp của chính sách

Từ khi giá bất động sản đi xuống đến nay đã được năm năm và theo như những lần “sốt” rồi lại “hạ nhiệt” trước đó thì thị trường sẽ chuẩn bị vào giai đoạn hồi phục.

Thị trường địa ốc còn có thể chuyển biến nhờ “ăn theo” sự tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ suy thoái kinh tế và lạm phát nên thị trường bất động sản sẽ có cơ hội hồi phục khi kinh tế phát triển và lạm phát bị đẩy lùi.

Ngoài ra, do bị thiệt hại nặng nề nên thị trường bất động sản cũng được hưởng lợi nhiều từ những chủ trương, chính sách của Nhà nước. Từ vài năm nay, “tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản” đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ giao cho các bộ ngành liên quan.

Chẳng hạn, Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ tháo gỡ về tài chính, tín dụng, đất đai cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và người dân. Theo đó, đối với các doanh nghiệp đã thỏa thuận bồi thường nhưng chưa đóng tiền sử dụng đất hoặc còn nợ tiền sử dụng đất thì cần có hướng dẫn cụ thể việc khấu trừ các chi phí hợp lý của doanh nghiệp. Về lâu dài, có thể bỏ khái niệm “tiền sử dụng đất” để thay thế bằng sắc thuế với thuế suất nhất định.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như kéo dài thời hạn thực hiện giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng lên 60 tháng thay vì 36 tháng như hiện nay, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2014…

Nghĩa là, thị trường bất động sản thời gian tới có thể khởi sắc nhờ vào tính chu kỳ và sự trợ giúp của chính sách. Nếu điều này xảy ra, giá bất động sản sẽ đà ngưng giảm giá, thậm chí sẽ tăng ở những khu vực có điều kiện hạ tầng tốt.

Hạ tầng tốt vẫn có thể tăng trưởng

Một trong những dẫn chứng sinh động về thị trường bất động sản vẫn có thể tăng trưởng trong khó khăn chính là khu vực phía đông TP.HCM, bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Vài năm trở lại đây, chính sách phát triển hạ tầng của thành phố này hướng về phía đông, với hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã, đang và sẽ được xây dựng.

Cầu, hầm Thủ Thiêm, đường Võ Văn Kiệt đã hoàn thành, nối liền trung tâm thành phố với khu vực này. Cầu Sài Gòn 2 cũng thông xe từ cuối năm ngoái, tạo nên một mạng lưới giao thông khá hoàn thiện ở khu đông. Tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã thông xe giai đoạn 1, rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến Long Thành chỉ còn khoảng 15 phút. Tuyến tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên đang trong giai đoạn thi công. Tại quận Thủ Đức, đường Phạm Văn Đồng giai đoạn 1 cũng đã đưa vào sử dụng, dự kiến cuối năm nay toàn tuyến đường sẽ hoàn thành, nối liền khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức…

Chính nhờ những thay đổi mang tính đột phá về hạ tầng như vậy mà thời gian qua, dù vẫn chịu ảnh hưởng bởi sự trầm lắng chung của thị trường, bất động sản khu vực này vẫn được nhiều người quan tâm. Từ cuối năm ngoái, các dự án căn hộ, đất nền thuộc các khu dân cư cao cấp tại quận 2, quận 9 có kết quả bán hàng khá tốt. Có dự án dù chưa chính thức mở bán đã được nhiều người tìm hiểu thông tin và đăng ký giữ chỗ do có mức giá hợp lý và người mua được trao sổ hồng ngay.

Theo nhiều nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm, xét trên bình diện mua để ở hay để đầu tư, thì sản phẩm địa ốc khu vực này vẫn là sự lựa chọn hợp lý. Về địa thế, đây là khu vực cửa ngõ thành phố, với hàng loạt dự án hạ tầng được xây dựng kết nối với các khu vực xung quanh. Về giá, so với mặt bằng chung, giá bất động sản ở đây cũng đang ở mức hấp dẫn. Nhận định “hạ tầng tốt vẫn có thể tăng trưởng” đang thể hiện ở khu vực cụ thể này.

Phi Yến (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.