Việc các doanh nghiệp bất động sản lớn đã chây ì trong việc nộp tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp phạt đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý sớm có biện pháp để thu hồi các khoản nợ không để cho các ông lớn tự tung tự tác tư lợi cá nhân.

Điểm mặt chúa chổm


Theo Chi cục thuế Hà Đông, trên địa bàn quận này hiện có 58 dự án bất động sản. Tính đến ngày 31/10/2011, số tiền thuế sử dụng đất đã thu gần 6.000 tỷ đồng, trong đó về cơ bản các doanh nghiệp đã đóng hết. Tuy nhiên, còn khoản phạt nộp chậm của các doanh nghiệp vẫn còn tồn đọng lượng rất lớn khoảng gần 800 tỷ đồng.


Dẫn đầu trong danh sách các doanh nghiệp nợ tiền phạt chậm nộp thuế là các "ông lớn" như Công ty Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (Parkcity) 152 tỷ đồng, công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) gần 100 tỷ đồng…


Trong khi đó, tại các quận huyện khác như Hoài Đức, Từ Liêm, số tiền các doanh nghiệp chưa nộp tiền sử dụng đất và khoản phạt nộp chậm cũng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đơn cử như, số tiền thuế của công ty T&T đã lên tới 740 tỷ đồng, chưa kể tiền phạt chậm nộp vào khoảng hàng trăm tỷ đồng. Tập đoàn HUD (chủ đầu tư khu đô thị Vân Canh) nợ gần 400 tỷ đồng tiền gốc….


Điều đáng nói, đây không phải là những con số cuối cùng. Trong thời gian tới kết quả rà soát của liên ngành đối với 240 dự án được công bố thì số tiền nợ còn tăng cao hơn nhiều do nhiều dự án phải tính lại tiền.


Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra cho việc chậm nộp thuế và các khoản phạt là do khi xác định giá tính thuế các dự án thì doanh nghiệp chưa được bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, do quá trình sáp nhập tỉnh Hà Tây về Hà Nội nên các dự án dừng triển khai để rà soát cho nên doanh nghiệp chần chừ chưa nộp vì không biết dự án có tiếp tục được triển khai hay không….


Quả bóng trách nhiệm


Theo phân tích giới chuyên gia tài chính thì chỉ tính riêng khoản tiền gần 800 tỷ phạt nộp chậm của quận Hà Đông mỗi năm khiến ngân sách nhà nước thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng đã tính rất kỹ càng bởi nếu mang khoản tiền hàng trăm tỷ gửi ngân hàng thì lãi suất sẽ cao hơn rất nhiều so với việc đem nộp tiền phạt.



Sau khi bị báo chí phanh phui nợ nần, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lên tiếng tố khổ cho nỗi “oan ức” của mình. Thậm chí, nhiều "đại gia" còn cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS đang nguội lạnh mà các bên vẫn còn "hậm hực" phanh phiu nợ nần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp.


Theo nhìn nhận của ông Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng chủ đầu tư nợ tiền thuế đã xảy ra trong một thời gian dài. Các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ nếu không bị đánh động phải nộp thuế thì họ sẽ vẫn để đấy. Ngay cả khi thị trường nóng nếu nợ được là các chủ đầu tư xin nợ. Đây là hiện tượng không tốt, cần phê phán chỉnh đốn bởi vấn đề đóng thuế là trách nhiệm các cá nhân, doanh nghiệp không thể trốn tránh.


‘Nếu theo quy định pháp luật, khi chính quyền có quyết định giao đất thì các doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất rồi không thể bán hết đất rồi mới nộp thuế. Trong khi thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp mặc dù chưa được giao đất nhưng đã chào bán hết cả dự án. Do vậy, không thể viện lý do chưa có tiền để nộp” ông Võ nói


Nhiều ý kiến cho rằng, luật pháp Việt Nam chưa có điều khoản nào thể hiện cho phép doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất mà không có quy định nào yêu cầu doanh nghiệp phải nộp ngay lập tức và trong khoảng thời gian bao lâu. Thế nhưng, có cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn cho nợ như vậy là làm “hư” các doanh nghiệp.



Được biết, mới đây sau khi báo chí phản ánh về tình trạng doanh nghiệp chậm nộp phạt, Tổng Cục thuế đã ra quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành rà soát nắm bắt tình hình từng dự án để tổng hợp lên phương án xử lý.

Theo Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland