07/12/2015 9:21 PM
Dự án đã dừng thi công nhưng chủ đầu tư vẫn tìm mọi cách bán và thu đến 95% giá trị căn hộ, khiến hàng loạt khách hàng khổ sở.
Hiện nay dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi văn phòng công ty dọn đi đâu không ai biết - Ảnh: Đình Sơn
Bán nhà mua căn hộ… “ma”
Theo thông tin chúng tôi có được, dự án Vạn Hưng Phát (Q.8, TP.HCM) do Công ty TNHH xây dựng Vạn Hưng Phát làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 8.2010. Đến tháng 10.2010, mặc dù mới đang tiến hành ép móng cọc nhưng chủ đầu tư đã mở bán đợt 1 với khoảng 100 căn trong tổng 350 căn hộ được khách hàng đặt mua, giá 18 - 19 triệu đồng/m2. Thấy hút hàng, chủ đầu tư đã “ghim” hàng lại không bán nữa. Nhưng qua năm 2011, thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc mạnh, cộng với việc ngân hàng không tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đã khiến dự án này không thể tiếp tục triển khai.
Mặc dù vậy, những năm sau đó công ty vẫn tiếp tục dụ bán căn hộ cho khách hàng. Điển hình như trường hợp ông Trịnh Kỳ, tháng 8.2012 ông đã ký hợp đồng với chủ đầu tư mua căn hộ ở tầng 19, diện tích 83 m2 với giá hơn 1,9 tỉ đồng.
Tại thời điểm ký hợp đồng, Tổng giám đốc Công ty Vạn Hưng Phát là ông Nguyễn Văn Minh khuyến khích nếu thanh toán 95% giá trị thì sẽ được giảm trên 10% nên ông Kỳ đóng một lần 1,8 tỉ đồng. Nhưng từ đó đến nay dự án vẫn chưa xây thêm được m̀ột cục gạch nào khiến gia đình ông điêu đứng.
Đau đớn nhất là trường hợp bà Lan (Q.8), mới bán được căn nhà phố, thấy dự án đẹp lại được đích thân ông Minh đứng ra cam kết chắc nịch sẽ giao nhà đúng tiến độ nên bà đã dồn hết tiền mua 3 căn, với dự tính một căn cho con gái lấy chồng, một căn ở và một căn để cho thuê dưỡng già. “Tôi mua 1 căn hồi tháng 12.2012, hai căn vào các tháng 1 và 5.2013. Lúc đó, đi qua dự án thấy ban ngày vẫn có cần cẩu quay quay, có xe chạy tới chạy lui, ban đêm đèn sáng. Họ rào cao quá không biết bên trong làm gì nhưng cũng yên tâm mua với giá gần 19 triệu đồng/m2thông qua ông Minh. Giờ căn hộ không có, nhà đã bán nên gia đình tôi phải đi ở thuê. Cả gia đình tôi khốn khổ, khốn nạn với dự án ma này”, bà Lan nói như khóc.
Ông Ng.Đ.Kh đã ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư vào đầu năm 2014 cho căn hộ ở tầng 21, giá hơn 5,2 tỉ đồng. Ngay sau đó ông Kh. cũng đóng m̀ột lần 95% giá trị căn hộ, nhưng đến nay nhà chưa thấy đâu.
Thắng kiện cũng không lấy được tiền
Tiếp xúc với phóng viên, hàng chục khách hàng nói họ đã bị chủ đầu tư, mà đứng đầu là ông tổng giám đốc, lừa bán căn hộ bởi ngay tại thời điểm họ ký hợp đồng mua căn hộ dự án đã án binh bất động, không còn tiền triển khai. Khách hàng đã liên tục đến công ty để gặp ông Minh nhưng không gặp được.
Nhiều khách hàng thậm chí còn nhận được giấy cam kết nhận và trả nợ từ ông Minh nhưng tất cả chỉ là lời hứa ảo. Tiền vẫn không lấy lại được, căn hộ không xây, chủ đầu tư lặn mất tăm đã khiến hàng chục người dân bức xúc kiện ra tòa để đòi tiền. Sau đó, dù TAND Q.8 nhiều lần mời ông Minh nhưng không khi nào ông này có mặt, hoặc ủy quyền cho người đi thay. Tòa án đã phải xử vắng mặt bị đơn và buộc Công ty Vạn Hưng Phát phải thanh toán tiền gốc cộng lãi suất cho khách hàng... Nhưng mấy năm nay, hàng trăm khách hàng thắng kiện vẫn chưa nhận được tiền đền bù từ công ty.
Không chỉ khách hàng, nhiều công ty, ngân hàng cũng kiện Công ty Vạn Hưng Phát ra tòa để đòi tiền. Như Ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Chánh cũng đang tiến hành thủ tục để khởi kiện công ty này ra tòa để đòi số nợ vay cả gốc và lãi hơn 130 tỉ đồng. Trong khi đó, đến nay dự án này vẫn chưa đóng tiền sử dụng đất cho nhà nước với số tiền hơn 23 tỉ đồng. Công ty này cũng nợ các đối tác khác với con số hàng trăm tỉ đồng.
Kiện ra tòa không có kết quả, rất nhiều khách hàng đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Minh có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đến Công an Q.8. Nhưng đơn tố cáo bị trả lại và được hướng dẫn kiện ra tòa để được giải quyết vì đây là tranh chấp dân sự. LS Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng cá nhân đại diện theo pháp luật của Công ty Vạn Phát Hưng cố tình làm trái quy định pháp luật khi tài sản thế chấp bị cấm giao dịch chuyển nhượng nhưng vẫn mang ra lừa khách hàng; thu tiền vượt quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng; không thực hiện được hợp đồng nhưng vẫn ký chuyển nhượng để thu tiền của khách hàng. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến hiện nay là cơ quan điều tra có tâm lý né sang tranh chấp dân sự đã được tòa giải quyết nên không điều tra.
Trong khi tòa giải quyết tranh chấp dân sự rất ít khi khởi tố hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. “Vì thế nên người dân thì lâm cảnh bơ vơ giữa chợ, người vi phạm thì nhởn nhơ. Việc mua căn hộ hình thành trong tương lai có một phần tiền của chính khách hàng, là một phương thức huy động vốn của chủ đầu tư nên số tiền thu của khách hàng phải được dùng duy nhất cho thực hiện dự án, việc sử dụng trái mục đích này có thể phải xem xét như sự chiếm đoạt tài sản”, LS Phượng phân tích.
Đình Sơn (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.