Cơ hội tăng trưởng
Năm 2020, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng ngành thép vẫn được ghi nhận mức tăng trưởng tốt, với lượng xuất khẩu đạt 9,86 triệu tấn, trị giá gần 5,26 tỉ USD, tăng mạnh gần 48% về lượng, tăng 25% về trị giá so với năm 2019.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của các địa phương trong năm 2020 đã góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của toàn ngành thép trong bối cảnh thị trường ảm đạm vì dịch bệnh.
Cụ thể, nếu như trong 6 tháng đầu năm có sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm, thì kể từ tháng 7 ngành này đã có sự phục hồi. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2020, sản xuất thép các loại đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ 2019.
Với sự phục hồi rõ rệt của ngành thép ở những tháng cuối năm, giới chuyên gia dự báo ngành thép sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2021, nhu cầu thép sẽ tăng từ 3-5% với kỳ vọng kinh tế vĩ mô phục hồi, làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.
Ngành thép sẽ được hưởng lợi lớn khi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc-Nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành. Cùng với đó, thị trường nhà ở được dự báo có thể nóng trở lại trong 2021. Đây cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng.
Ngoài ra, trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại, việc gỡ bỏ một loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia trong khối có ký các FTA cũng sẽ giúp Việt Nam được hưởng lợi về giá.
Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đã có mức tăng ấn tượng với 56,5% chỉ sau 1 tháng khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực. Trong tháng đầu tiên khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đã tăng 600 triệu USD.
Còn nhiều thách thức
Trước các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc thực thi hiệp định mới, ngành thép được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.
Tuy nhiên hiện nay, ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Ngay từ đầu năm 2021, các mặt hàng thép Việt đã liêp tiếp “dính” vào các vụ kiện phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu. Vào cuối tháng 1/2021, thị trường xuất khẩu thép tiềm năng Malaysia đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim Việt Nam, biên độ 7,42-33,7%.
Trước đó, Malaysia cũng đã quyết định áp thuế chống bán phá giá với nhiều sản phẩm thép xuất xứ từ Việt Nam. Ngày 28/12/2020, nước này áp thuế bán phá giá 7,73-34,82% lên các sản phẩm thép không gỉ cán nguội nước ta trong 120 ngày; ngày 23/12/2020, các sản phẩm thép cán dẹt không hợp kim hoặc được phủ nhôm và kẽm nhập khẩu từ Việt Nam bị áp thuế chống bán phá trong 5 năm với biên độ từ 3,06% đến 37,14% tại thị trường này.
Tại thị trường Canada, đầu tháng 2/2021, thép cốt bê tông Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu vào nước này đạt khoảng 30 triệu USD hàng năm bị kết luận biên độ phá giá là từ 3,7- 15,4%. Thị trường này sẽ quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời tương ứng với mức biên độ bán phá giá.
Ngày 11/2, Ấn Độ cũng đã có thông báo khởi xướng điều tra rà soát phạm vi sản phẩm trong vụ việc chống trợ cấp đối với một số sản phẩm ống thép hàn không gỉ có xuất xứ từ Việt Nam. Cuộc điều tra này nhằm đánh giá lại phạm vi sản phẩm và xem xét loại trừ một số sản phẩm có các tiêu chuẩn đặc biệt mà ngành sản xuất nội địa Ấn Độ không sản xuất được.
Tại thị trường Indonesia, ngày 17/2, Ủy ban chống bán phá giá Indonesia đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá từ 3,01 - 49,2% đối với tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam.
Đến ngày 26/2, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo về việc xem xét khả năng gia hạn các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam. Từ ngày 1/2/2019 EU đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu bằng hình thức hạn ngạch thuế quan. Nếu vượt mức hạn ngạch thuế quan, 26 nhóm hàng thép nhập khẩu sẽ bị áp thuế 25% trên giá cập cảng EU. Dự kiến các biện pháp này sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2021.
Hay mới đây là Parkistan – một thị trường xuất khẩu sắt thép nhỏ của Việt Nam cũng ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nguội Việt Nam với mức thuế bán phá giá cáo buộc là 27,98%.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho biết bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ban ngành liên quan để cảnh báo sớm, tăng cường bảo vệ ngành sản xuất trong nước, mạnh tay xử lý tình trạng gian lận,… thì các doanh nghiệp thép cần chủ động tiếp cận công nghệ sản xuất mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, đa dạng thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tốt các kiến thức về thức về thương mại quốc tế để chủ động ứng phó với nguy cơ kiện cáo, phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu.
-
Năm 2020: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắt thép lớn nhất của Việt Nam
CafeLand – Mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng năm 2020, ngành thép Việt Nam vẫn ghi nhận những con số khả quan. Xuất khẩu sắt thép tăng mạnh cả về lượng và giá trị. Trong đó, xuất khẩu thép sang Trung Quốc là điểm nhấn trong năm khi có sự gia tăng đột biến.