CafeLand – Mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng năm 2020, ngành thép Việt Nam vẫn ghi nhận những con số khả quan. Xuất khẩu sắt thép tăng mạnh cả về lượng và giá trị. Trong đó, xuất khẩu thép sang Trung Quốc là điểm nhấn trong năm khi có sự gia tăng đột biến.

Xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc tăng đột biến

Về xuất khẩu, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong năm 2020 đạt 9,86 triệu tấn, trị giá gần 5,26 tỷ USD, tăng mạnh gần 48% về lượng, tăng 25% về trị giá so với năm 2019.

Riêng tháng 12/2020 xuất khẩu 942.256 tấn sắt thép, tương đương 553,4 triệu USD, giá trung bình 587,3 USD/tấn, giảm nhẹ 4,3% về lượng nhưng tăng gần 2% về kim ngạch và tăng 6,5% về giá so với tháng 11/2020. Trong khi đó, so với tháng 12/2019 thì xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh hơn 45% về lượng, tăng hơn 54% về kim ngạch và tăng 6,2% về giá.

Sắt thép của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 3,54 triệu tấn, trị giá hơn 1,48 tỷ USD, chiếm gần 36% trong tổng lượng và chiếm 28,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước.

Tiếp theo là thị trường Campuchia, chiếm gần 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 1,56 triệu tấn, trị giá 839,69 triệu USD, giảm 8% về lượng, giảm gần 15% kim ngạch và giảm 7,5% về giá so với năm trước.

Thị trường Thái Lan đạt 675.482 tấn, trị giá 390,51 triệu USD, chiếm 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước. Xuất khẩu sắt thép sang thị trường Malaysia giảm cả về lượng, kim ngạch so với năm trước, với mức giảm tương ứng 15,5%, 19,8%, đạt 629.419 tấn, trị giá gần 368 triệu USD.

Về nhập khẩu sắt thép trong năm 2020, Trung Quốc cũng đứng đầu về thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam, chiếm 28,4% trong tổng lượng và chiếm 30,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, đạt trên 3,76 triệu tấn, trị giá hơn 2,43 tỷ USD, giảm trên 26% cả về lượng và kim ngạch; trong đó, riêng tháng 12/2020 đạt 416.616 tấn, trị giá hơn 284 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 15,3% về kim ngạch so với tháng 11/2020.

Nhật Bản đứng thứ 2 về thị trường, đạt 2,45 triệu tấn, tương đương 1,39 tỷ USD, giá 570 USD/tấn, tăng 17,3% về lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với năm trước, chiếm 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch sắt thép nhập khẩu của cả nước.

Nhập khẩu sắt thép từ thị trường Hàn Quốc đạt 1,78 triệu tấn, tương đương 1,28 tỷ USD, giá 720,9 USD/tấn, tăng 0,4% về lượng, nhưng giảm 9,1% kim ngạch và giảm 9,5% về giá so với năm 2019; chiếm 13,4% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 15,9% trong tổng kim ngạch.

Tiếp theo là thị trường Ấn Độ cũng tăng 11,7% về lượng và tăng 0,9% về kim ngạch nhưng giảm 9,7% về giá so với năm 2019, đạt 2,47 triệu tấn, tương đương 1,11 tỷ USD, giá trung bình 449 USD/tấn.

Dự báo ngành thép tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021

Theo giới chuyên gia dự báo ngành thép sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2021 bởi sẽ có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Theo đó, ngành thép sẽ được hưởng lợi lớn khi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai, cao tốc Bắc-Nam là dự án đáng chú ý nhất. Cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở được dự báo có thể nóng trở lại trong 2021 cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng.

Ngoài ra, trước các cơ hội từ việc hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các FTA, ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Theo đó, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời việc nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia trong khối có ký các FTA cũng sẽ giúp Việt Nam được hưởng lợi về giá.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất thép Việt cũng cần nâng cao năng lực tài chính, công nghệ để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng nhiều như hiện nay.

Được biết, trong năm 2020, các sản phẩm thép phẳng của Việt Nam cũng bị đưa vào các cuộc điều tra chống bán phá giá tại các thị trường Úc, Philippines, Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Canada đã gỡ bỏ mức thuế chống trợ cấp lên thép chống ăn mòn từ Việt Nam.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.