Những biến động trên thị trường bất động sản hiện nay dường như đã được dự liệu từ trước.
Cơ hội từ sự trả giáMới đây, trong phiên họp thường kỳ tháng 3/2012, Chính phủ nhận định sự suy giảm của thị trường bất động sản hiện nay nằm trong tiên liệu khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ - CP vào đầu năm 2011. Đây cũng là diễn biến tất yếu trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc đưa giá bất động sản về đúng giá trị.

“Liều thuốc” mà Nghị quyết 11/NQ - CP đưa ra đã ngấm. Bất động sản với tư cách là một nguồn cơn của lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô đã và đang phải trả giá lớn nhất sau thời kỳ tăng giá chóng mặt và để vượt qua cơn “chấn động” này, các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc buộc phải cơ cấu lại hoạt động của mình.


Song câu hỏi lớn nhất của giới đầu tư, kinh doanh bất động sản lúc này là tìm đâu nguồn vốn khổng lồ lên đến 200.000 tỷ đồng để giải cứu khối bất động sản gồm nhà ở, khách sạn, văn phòng cho thuê... tập trung chủ yếu tại các dự án nhà ở thương mại, đang đóng băng.


Tia hy vọng duy nhất được Cục Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đề xuất là thay mặt Nhà nước, các thành phố Hà Nội, TP-HCM sẽ mua lại khối bất động sản “ế” của các doanh nghiệp bất động sản để làm nhà tái định cư. Vậy nhưng, đề xuất này khó khả thi khi chính những người có kinh nghiệm nhiều năm tham gia đầu tư bất động sản cũng nghi ngờ về khả năng các địa phương này tìm đâu ra nguồn vốn để mua lại các dự án; với giá hàng tỷ đồng/căn hộ, người dân tái định cư lấy đâu ra tiền để trả phần dôi dư so với diện tích được đền bù...


Dù có nhiều kiến nghị Nhà nước nhanh chóng giải cứu, song thực tế cho thấy, thị trường bất động sản đang phải đối diện với những điều bất lợi nhất. Số lượng cũng như giá trị các vụ giao dịch giảm, số công trình khởi công, khánh thành giảm so với những năm trước tất yếu sẽ khiến nguồn tiền lưu thông, đầu tư vào địa ốc suy giảm... Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, sau 3 tháng đầu năm 2012, trong số gần 10.000 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động lại có rất ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Như vậy, có thể thấy rằng, sau thời gian tăng trưởng chóng mặt, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn sức sống tiềm tàng.


Thực tế trên được chứng minh rõ ràng hơn trong những tuần gần đây, khi hàng loạt vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản, mà bên mua chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thuần Việt. Trong số này phải kể đến vụ Công ty điện tử Hà Nội (Hanel) mua lại 70% cổ phần của Daewoo trong tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng, căn hộ cho thuê trên đường Kim Mã, Hà Nội; CT Group mua lại dự án sân golf tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) từ Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc); Công ty Vạn Thịnh Phát mua lại Dự án New Pearl Residences trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) của Futaland và Công ty cổ phần Đức Khải; Công ty đầu tư Du lịch Huế mua lại Khách sạn Century 135 phòng tại Huế từ Công ty Crowndale International Corporation (Hồng Kông); Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phú mua lại Dự án căn hộ Hải Âu của Công ty Intresco…


Nếu quan sát kỹ diễn biến thị trường bất động sản Việt Nam hơn chục năm qua, có thể thấy rằng, không có một cuộc khủng hoảng nào là vô nghĩa, vì khủng hoảng cũng đem lại những cơ hội quý giá. Và với những nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường bất động sản, thì đây là thời điểm có nhiều cơ hội nhất.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.