27/07/2020 9:32 AM
CafeLand - Thông tin 15 doanh nghiệp Nhật lựa chọn Việt Nam để dịch chuyển đầu tư sẽ là cơ hội lớn để các địa phương vốn mạnh về bất động sản công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu bứt phá phát triển.

Điểm đến Việt Nam

Ngày 23/7 vừa qua, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã tổ chức họp báo thông tin về chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, cho biết trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản được lựa chọn hỗ trợ mở rộng sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có 15 doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đăng ký mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội tại họp báo chiều ngày 23/7/2020.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội tại họp báo chiều ngày 23/7/2020.

Dự kiến các doanh nghiệp Nhật nằm trong chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ tối đa 5 tỉ yên (tương đương 1.081 tỉ đồng). Mức hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào quy mô của từng dự án khác nhau.

Theo ông Nakajima, việc 15 doanh nghiệp Nhật lựa chọn đầu tư vào Việt Nam cho thấy triển vọng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam rất tốt. Yếu tố quan trọng khiến nhà đầu tư Nhật lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư là nhờ việc Việt Nam sớm kiểm soát được dịch Covid-19 tốt hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Trong tương lai, các doanh nghiệp Nhật lựa chọn mở rộng đầu tư tại Việt Nam sẽ tận dụng được tiềm năng từ thị trường nội địa với gần 100 triệu dân và cơ hội về xuất khẩu hàng hóa từ những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký.

Cơ hội để bất động sản công nghiệp phát triển

Việc 15 doanh nghiệp Nhật lựa chọn Việt Nam là điểm đến mở rộng đầu tư sẽ là cơ hội lớn để bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển. Ông Nakajima cho biết hiện có bốn làn sóng đầu tư đến từ Nhật Bản.

Làn sóng thứ nhất đến từ các doanh nghiệp lớn tại Nhật có mong muốn mở rộng giai đoạn 2, 3, 4 tại các khu công nghiệp và địa phương.

Làn sóng thứ hai đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật, một nhóm sẽ cung ứng cho chính các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam và một nhóm sẽ triển khai hoạt động kinh doanh độc lập.

Làn sóng thứ ba là các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Việt Nam để phục vụ xuất khẩu sang các nước ngoài.

Làn sóng thứ tư là sản xuất và bán hàng ngay tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp ngành dịch vụ và bán lẻ Nhật.

Việc các doanh nghiệp Nhật lựa chọn mở rộng đầu tư tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm gia tăng nhanh nhu cầu các sản phẩm bất động sản như khu công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi…

Nhu cầu tăng nhanh do làn sóng đầu tư sẽ kích thích nguồn cung bất động sản công nghiệp tăng mạnh, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ có sự phát triển bứt phá. Dòng tiền đầu tư vào các sản phẩm bất động sản công nghiệp sẽ có sự gia tăng đáng kể trong thời gian tới.

Đầu tư vào đâu?

Dù chưa có thông tin cụ thể khi nào 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam và họ sẽ đầu tư vào địa phương nào ở nước ta, nhưng nếu căn cứ vào cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông và khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, thì có thể kể đến các tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu.

Bắc Ninh và Hưng Yên là hai tỉnh liền kề ngay thủ đô Hà Nội. Trong bối cảnh quỹ đất Hà Nội ngày càng hạn hẹp, việc mở rộng, phát triển bất động sản công nghiệp sang các tỉnh lân cận như Bắc Ninh và Hưng Yên là xu thế tất yếu.

Hơn nữa Bắc Ninh vốn là “thủ phủ FDI” của miền Bắc với cơ sở hạ tầng hiện đại, đã là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Khu công nghiệp tại Bắc Ninh. Nguồn: Công thương.

Các tỉnh thành khác tại miền Bắc như Bắc Giang, Hải Dương cũng có triển vọng phát triển bất động sản công nghiệp tương đối lớn khi tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành, rút ngắn thời gian di chuyển (giảm một giờ so với trước) từ thành phố Hà Nội đến các cửa khẩu biên giới ở Lạng Sơn.

Các tỉnh ven TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương hay Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có triển vọng tương đối lớn khi các tuyến đường cao tốc kết nối cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được phát triển.

Bên cạnh đó, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đều là những tỉnh có vị trí giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa tới các thành phố lớn, cơ sở hạ tầng phát triển và nguồn nhân công lao động dồi dào.

  • JLL: Nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm bất động sản công nghiệp

    JLL: Nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm bất động sản công nghiệp

    CafeLand - Nói về cơ hội mới của thị trường bất động sản, bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bất động sản công nghiệp vẫn đang là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, như các quỹ đầu tư Mỹ, hay các tổ chức từ Hong Kong. Các nhà đầu tư này đang tìm kiếm những quỹ đất sạch, các nhà xưởng có sẵn để bước đầu tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Trang Thu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.