Khu công nghiệp Thaco Chu Lai tại Quảng Nam.
Phát triển ổn định
Tại thông cáo số 123/TC-BXD, Bộ Xây dựng cho biết ngành công nghiệp hiện vẫn là ngành có mức tăng trưởng tốt và thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư ở trong và ngoài nước.
Sáu tháng đầu năm 2022, nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện trên địa bàn cả nước sẽ góp phần bổ sung nguồn cung mới cho thị trường trong tương lai.
Đơn cử như khu công nghiệp Cây Trường quy mô 700 ha, VSIP III quy mô 1.000 ha tại Bình Dương, khu công nghiệp Nam Tân Lập quy mô 245 ha và khu công nghiệp Tân Lập quy mô 654 ha; khu công nghiệp Quảng Trị quy mô khoảng 500 ha;…
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp cả nước có xu hướng tăng và đạt ở mức cao. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở phía Bắc đạt khoảng 80%, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam đạt khoảng 85%.
Đặc biệt, nhiều địa phương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở mức cao trên 95% như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh.
Bộ Xây dựng cho biết thêm, giá thuê bất động sản công nghiệp trong quý 2/2022 tiếp tục có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc tăng 5-12% và tại khu vực phía Nam là 8-13% so với cùng kỳ năm 2021.
Bước sang quý 3/2022, mặc dù thị trường bất động sản phát triển chững lại, giao dịch giảm sút và giá giao dịch có xu hướng giảm trên nhiều phân khúc nhưng bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển ổn định.
Tại Thông cáo số 172/TC-BXD, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 3/2022 thị trường bất động sản công nghiệp được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới.
Đơn cử như, khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn quy mô 302,8 ha; khu công nghiệp Đông Anh quy mô 300 ha; khu công nghiệp Bắc Thường Tín quy mô 112 ha; khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng quy mô 389 ha; khu công nghiệp Phụng Hiệp quy mô 174,9 ha tại Hà Nội; khu công nghiệp Sơn Mỹ I quy mô 1.070 ha tại Bình Thuận;…
Cũng trong quý 3/2022, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng so với quý trước đó. Đồng thời tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trong quý 3 vẫn giữ ở mức cao, đặc biệt là đối với nguồn cung bất động sản công nghiệp xây sẵn.
Thống kê từ Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm, trong quý 3/2022, giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp tăng nhẹ khoảng 5% so với quý trước.
Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước cơ hội phát triển mới.
Cơ hội mới
Bất động sản công nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới khi Nghị quyết số 29-NQ/TW khẳng định tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỉ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 - 15% GDP.
Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp;…
Việt Nam cũng sẽ phấn đầu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch được phê duyệt, trong thời gian tới, bốn ngành trọng điểm của tỉnh là công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Một trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh là Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, diện tích đất khu công nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh được điều chỉnh tăng mạnh từ 2.786 ha (năm 2020) lên 6.025 ha (năm 2030), tăng 3.239 ha. Diện tích đất cụm công nghiệp được điều chỉnh tăng từ 242 ha (năm 2020) lên 1.892 (năm 2030), tăng 1.650ha.
Không riêng gì quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều địa phương cũng đang điều chỉnh quy hoạch các khu kinh tế để phù hợp với tình hình phát triển mới, qua đó mở ra nhiều cơ hội phát triển cho bất động sản công nghiệp.
Có thể kể đến như tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong; tỉnh Phú Yên điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Nam Phú Yên; tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Dung Quất; tỉnh Thừa Thiên Huế điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; tỉnh Quảng Trị điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị;…
-
Tập đoàn Singapore sẽ đầu tư thêm khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam
Lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp (Singapore) nói sẽ đầu tư mạnh vào chuỗi khu công nghiệp VSIP và phát triển các lĩnh vực xanh tại Việt Nam.
-
Một doanh nghiệp “để mắt” đến 7 khu công nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Chiều 7/5, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã tiếp và làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam.
-
Dự kiến có 24 KCN đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu khẩn trương gỡ vướng giải phóng mặt bằng cho các dự án điện
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp điện trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị EVN phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án điệ...