Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố những điểm khát quát của thỏa thuận thương mại "lịch sử" với Anh. Đây là thỏa thuận đầu tiên với một nước kể từ khi chính quyền Trump công bố chính sách thuế quan mới ngày 2/4.
Tổng thống Trump và một số thành viên nội các tại Nhà Trắng. Ảnh: NYT
Vẫn áp thuế quan chung 10% và cơ hội 5 tỷ USD mới cho hàng hóa Mỹ
Theo một thông tin do Nhà Trắng công bố về thỏa thuận thương mại này, Mỹ sẽ duy trì mức thuế quan chung là 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh.
Đối với ô tô nhập khẩu từ Anh, Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với 100.000 xe hàng năm, và 25% đối với các xe nằm ngoài quota đó.
Thỏa thuận này sẽ tạo "cơ hội trị giá 5 tỷ USD cho các mặt hàng xuất khẩu mới" đối với nông dân, chủ trang trại và nhà sản xuất Mỹ, bao gồm hơn 700 triệu USD ethanol và 250 triệu USD thịt bò Mỹ và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Thông tin từ Nhà Trắng cũng cho biết hai nước sẽ tiếp tục bàn thảo để củng cố sự tiếp cận thị trường cho hàng hóa công nghiệp và nông sản; cắt giảm thủ tục hải quan cho hàng hóa Mỹ; lấp các lỗ hổng và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ tại thị trường mua sắm của Anh.
Ngoài ra, hai nước cũng sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất hàng không vũ trụ Mỹ thông qua việc ưu tiên tiếp cận các linh kiện chất lượng cao của Anh; đảm bảo chuỗi cung ứng cho các dược phẩm.
Mỹ cũng công nhận các biện pháp tăng cường “an ninh kinh tế” của Anh để ứng phó với sự dư thừa công suất thép toàn cầu và sẽ đàm phán một sự thay thế đối với thuế quan về thép và nhôm.
Mỹ xóa bỏ mức thuế 25% áp lên thép và nhôm của Anh kể từ năm 2018. Đồng thời, hai nước thành lập liên minh thương mại về thép – nhôm nhằm phối hợp áp thuế 25% với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia bị nghi là bán phá giá.
“Thỏa thuận ngày hôm nay tạo tiền đề cho các đối tác thương mại khác trong việc thúc đẩy thương mại có đi có lại với Mỹ”, tờ thông tin nêu.
Một số nét chính về thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh. Ảnh: Tài khoản Truth Social của Tổng thống Donald Trump
Nhà Trắng ca ngợi rằng thỏa thuận này cho phép các công ty Mỹ sự tiếp cận "chưa có tiền lệ" đối với thị trường Anh, đồng thời củng cố an ninh quốc gia Mỹ.
Trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ ca ngợi thỏa thuận thương mại "công bằng, cởi mở và có đi có lại" đầu tiên mà chưa có người tiền nhiệm nào để ý tới. Với thỏa thuận này, Mỹ sẽ thu về 6 tỷ USD tiền thuế.
Mỹ và Anh cũng sẽ củng cố thêm an ninh quốc gia thông qua việc tạo lập một khu vực mua bán nhôm và thép, và một chuỗi cung ứng thuốc an toàn.
"Thỏa thuận này cho thấy nếu bạn tôn trọng nước Mỹ và đặt các đề xuất nghiêm túc lên bàn đàm phán, nước Mỹ cởi mở với kinh doanh", ông Trump nói thêm, đồng thời cho biết sẽ có thêm thỏa thuận mới với Anh.
Thỏa thuận đầu tiên, áp lực toàn cầu
Phát biểu tại Phòng Bầu dục về thỏa thuận thương mại với Anh, ông Trump cho biết các "chi tiết cuối cùng đang được soạn thảo" và sẽ dần hoàn thiện trong những tuần tới.
Phía Anh sẽ "giảm hoặc loại bỏ nhiều rào cản phi thuế quan không công bằng đối với hàng hóa Mỹ", ông nói thêm.
Còn Thủ tướng Anh Keir Starmer, thông qua điện thoại từ Anh, phát biểu rằng hai nước đã "xây một nền tảng tuyệt vời cho tương lai".
Tuy nhiên, một số chuyên gia không đánh giá cao tác động của thỏa thuận này, cho rằng cách thức Mỹ áp dụng với Anh sẽ không dễ dàng được sử dụng với các nước khác mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn.
Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, Mỹ có thặng dư thương mại hàng hóa 11,9 tỷ USD với Anh năm 2024, tăng 17,4% so với năm 2023.
Josh Lipsky, người phụ trách kinh tế quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết đây chỉ là một chiến thắng rất nhỏ và có quy mô hạn chế.
Trả lời khi được hỏi liệu thỏa thuận với Anh có được dùng làm mẫu cho các thỏa thuận thương mại khác hay không, ông Trump cho rằng mức thuế với Anh là thấp do đó là "một thỏa thuận tốt" và một số nước khác sẽ chịu thuế quan cao hơn vì có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Bình luận về thỏa thuận này, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) cho rằng thỏa thuận này không chỉ mang tính biểu tượng trong quan hệ đồng minh Mỹ - Anh, mà còn đặt nền móng cho các cuộc đàm phán kế tiếp với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
"Việc Anh là quốc gia đầu tiên ký kết thỏa thuận song phương với chính quyền Trump tạo ra tiền lệ quan trọng. Các nước còn lại, đặc biệt là những quốc gia đang bị đe dọa áp thuế cao, sẽ buộc phải điều chỉnh lập trường đàm phán nếu muốn duy trì quyền tiếp cận thị trường Mỹ", Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, một người chuyên nghiên cứu chiến lược, nhận định thêm.
Theo ông Tuấn, thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh không chỉ là sự kiện mang tính biểu tượng về mặt ngoại giao mà còn là lời tuyên bố chính thức cho sự trở lại của chiến lược "đàm phán tay đôi, thuế suất cao" mà Tổng thống Trump theo đuổi. Trong khi Thủ tướng Starmer đạt được một bước tiến kinh tế trong bối cảnh hậu Brexit, ông Trump cũng đạt được thắng lợi chính trị – tạo sức ép lan tỏa lên các nền kinh tế lớn khác.
Tuy nhiên, mức thuế cơ bản 10% vẫn được duy trì, cùng nhiều điều khoản chưa được hoàn tất, cho thấy đây mới là chương đầu tiên của một chiến lược dài hạn. Các đối tác thương mại của Mỹ – từ châu Á đến châu Âu – giờ đây buộc phải lựa chọn giữa đàm phán sớm hoặc chấp nhận bị đánh thuế nặng hơn.
"Thỏa thuận Mỹ - Anh vì thế không đơn thuần là một hiệp định kinh tế, mà là công cụ định hình lại thế trận thương mại toàn cầu trong thập niên tới", ông Tuấn kết luận.
-
Chính thức lộ diện quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận với Mỹ
Dù chi tiết thỏa thuận chưa được công bố, giới quan sát cho rằng thuế nhập khẩu đối với thép, nhôm và ô tô nhiều khả năng là trọng tâm đàm phán.
-
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tốt việc đàm phán với Mỹ
Sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 nhằm tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, 4 tháng đầu năm 2025 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5, đến hết quý 2 và thời gian tới.
-
Thủ tướng thông tin về phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ
Trước việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán.








-
Cẩn trọng với thông tin giả về đàm phán thuế
Những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về kết quả đàm phán thuế đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ là thông tin giả.
-
Chính thức lộ diện quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận với Mỹ
Dù chi tiết thỏa thuận chưa được công bố, giới quan sát cho rằng thuế nhập khẩu đối với thép, nhôm và ô tô nhiều khả năng là trọng tâm đàm phán.
-
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tốt việc đàm phán với Mỹ
Sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 nhằm tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, 4 tháng đầu năm 2025 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5, đến hết quý 2 và thời gian tới...