Sau 3 lần phẫu thuật liên tiếp, ông Phú, một người dân ở thôn Long Đằng, xã Phùng Chí Kiên vẫn quyết định không ăn uống theo chế độ bồi dưỡng dành cho người bệnh. Tất cả mọi chi tiêu trong gia đình người đàn ông 75 tuổi này giờ đây đều phải tằn tiện để lo góp tiền trả nợ xây nhà.
Căn nhà lầu khang trang đang xây dựng của ông Phú được đánh giá là to nhất làng, mỗi sàn rộng cả trăm mét vuông. Tuy nhiên, dù đã nửa năm xây dựng, đến nay mới xong phần thô và đành phải dừng lại vì thiếu tiền. Trong nhà, ngoài hai cái giường cũ và một cái bàn, nội thất dường như trống trơn chưa sắm sửa gì.
Đáng nói, để làm căn nhà 2 lầu này vợ chồng ông phải đi vay đến 70% tiền xây dựng và hiện đang mắc nợ hơn 200 triệu đồng. Nhà ông Phú vay 10 triệu đồng, mỗi ngày trả 50.000 đồng, tức là phải trả lãi 360% một năm để xây nhà, chữa bệnh. Đến hạn đóng tiền lãi, ông Phú phải vay chỗ nọ đập chỗ kia. Món nợ này đang quá sức với gia đình, tất cả chỉ do con ông muốn theo phong trào xây nhà to.
Ham xây nhà to, gia đình ông Phú khốn khổ vì nợ
Tình trạng cố xây nhà hoành tráng nhưng quá thực lực không riêng gì nhà ông Phú mà trong thôn còn có nhiều hộ khác nữa. Giải thích về việc này, bà Nguyễn Thị Vinh, Bí thư chi bộ thôn cho rằng đó là do tâm lí ghanh đua. "Chúng tôi cũng đã vận động rồi nhưng họ vẫn không nghe", bà Vinh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Chí Kiên cho biết việc áp dụng các quy chế xây dựng theo luật tại nông thôn cũng như buộc người dân làm theo là rất khó, "không thể bắt ý chí của người ta theo ý chí chỉ đạo của mình được".
Cách đây chưa lâu, dư luận cũng từng choáng váng trước thông tin cả làng Rú, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đua nhau vay tiền dựng nhà bằng gỗ xịn hàng trăm triệu đồng cho hoành tráng. Tuy nhiên, khi được hỏi tiền đâu trả nợ thì chủ một ngôi nhà ở đây đáp trống không :"Không biết. Hỏi làm gì?".
Một ngôi nhà bằng gỗ xịn tại làng Rú, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
Không có tiền làm tiếp khiến cho những căn nhà to vật vã như thế này chưa biết đến ngày tháng năm nào xong. "Mốt" xây nhà to chạy theo phong trào còn tiếp diễn thì chủ nhân của chúng cũng chẳng biết đến bao giờ mới thoát khỏi mối lo "sạt nghiệp" để an cư.
Nguồn video:VTV