Thông tin được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nói tại họp báo về dự thảo thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, chiều 18/5. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dự thảo vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sắp tới.
Theo ông Mãi, điểm khác cơ bản của dự thảo so với Nghị quyết 54 trước đây là mục tiêu. Thay vì tập trung cho các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu như Nghị quyết 54, nghị quyết mới tập trung nhiều hơn cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới. "Nếu làm tốt việc đầu tư xã hội, thành phố sẽ đạt được cả trăm nghìn tỷ đồng", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tại buổi họp báo, chiều 18/5. Ảnh: Hà Khánh
Nghị quyết mới gồm 43 nội dung cơ chế, chính sách, chia làm 4 nhóm, gồm: các cơ chế, chính sách đã có trong Nghị quyết 54; cơ chế, chính sách đặc thù được quy định cho các địa phương khác; cơ chế, chính sách đặc thù có trong các dự thảo luật sẽ sửa đổi thời gian tới; và các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định.
Theo người đứng đầu chính quyền TP HCM, với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, thành phố sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về thể chế và chắc chắn tạo được động lực lớn để phát triển. Đặc biệt, nghị quyết mới sẽ giúp thành phố phân cấp, ủy quyền kịp thời, chủ động hơn, tháo được "chiếc áo cơ chế" để TP Thủ Đức phát triển.
"Tinh thần là TP HCM xin thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, triển khai để đóng góp thực tiễn cho cả nước chứ không đặt vấn đề xin những đặc ân, điều kiện thuận lợi về cho thành phố", ông Mãi nói.
Trước đó, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai nói việc thu hút đầu tư tư nhân là rất quan trọng với sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động đầu tư kinh doanh có rất nhiều vướng mắc. Vừa qua, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đã tổng hợp 214 vấn đề khó khăn với các dự án đầu tư kinh doanh, chưa kể các vướng mắc liên quan đến các luật đã được nhận diện và đưa vào chương trình sửa đổi.
Theo bà Mai, nghị quyết mới đặt ra các nhóm cơ chế chính sách mới, chưa được quy định tại Nghị quyết 54 như mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon...
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết TP HCM có nhiều công trình giao thông quan trọng cần nguồn vốn lớn nhưng ngân sách lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Việc đề xuất cho áp dụng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) bằng tiền và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
"Bản thân hình thức BT không có lỗi, nhưng quá trình triển khai có vướng mắc, chưa thống nhất giữa các luật nên thực hiện chưa trôi chảy", bà Mai nói và cho biết sau khi nghị quyết mới được ban hành, các bộ, ngành cùng TP HCM sẽ thiết kế quy định để triển khai hiệu quả. Thành phố thí điểm trước để các tỉnh, thành rút ra bài học kinh nghiệm, trước khi áp dụng lại trên cả nước.
-
TP.HCM xây dựng Đề án kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức
UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch xây dựng “Đề án kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức” nhằm cụ thể hóa các bước triển khai xây dựng Đề án, làm cơ sở phân định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan theo ngành, lĩnh vực quản lý; yêu cầu cụ thể về sản phẩm đầu ra, tiến độ thực hiện và thời gian hoàn thành đối với từng nhiệm vụ được giao.
-
16 chính sách mới nổi bật về đất đai và nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh
Tháng 10/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều quy định mới về đất đai và nhà ở. Trong đó, có 16 chính sách mới nổi bật sau đây:
-
3 tiểu vùng đô thị Đông Nam Bộ gồm những địa phương nào?
Khu vực Đông Nam Bộ sẽ hình thành 3 tiểu vùng đô thị gồm tiểu vùng trung tâm, tiểu vùng đô thị ven biển và tiểu vùng đô thị phía Bắc. Đây sẽ là những hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn khu vực....
-
Sắp diễn ra triển lãm lớn về ngành sản xuất gạch ốp lát, đá xây dựng tại TP.HCM
Triển lãm ASEAN Ceramics & ASEAN Stone 2024 sẽ diễn ra tại TP.HCM vào tháng 12 tới đây, dự kiến quy tụ hàng trăm doanh nghiệp tư các quốc gia Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam tham dự....