Sự kiện kinh tế thứ nhất đáng chú ý trong tuần qua là việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ thị quy định có thể đình chỉ hoặc miễn nhiệm lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng vi phạm quy định huy động lãi suất tiền đồng và USD vượt trần. Sự kiện thứ 2 là thông tin, Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội dự kiến cho phép người có hộ khẩu tạm trú tại Hà Nội được mua nhà thu nhập thấp. Đằng sau cả 2 sự kiện này cho thấy nhiều điều đáng bàn.
Chuyện ngăn lãi suất và thêm cơ hội mua nhà thu nhập thấp

Ảnh minh họa

Để bắt đầu cho câu chuyện Ngân hàng nhà nước sẽ có nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng: “chưa bao giờ sự cạnh tranh của các ngân hàng, tổ chức tín dụng lại kém lành mạnh như thời gian qua. Nhìn thẳng vào sự thật thì thấy các ngân hàng chen lấn, xô đẩy, chà đạp lẫn nhau bằng mọi công cụ làm cho các ngân hàng làm ăn nghiêm túc cũng không làm ăn được bởi bị lấn hết thị trường. Chưa bao giờ hoạt động của hệ thống Ngân hàng của chúng ta hiện nay như là một cái chợ, người dân, doanh nghiệp đều mặc cả với ngân hàng…”


Với quyết tâm lập lại trật tự trong hoạt động của ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ thị 02 về việc chấn chỉnh thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng VND và USD. Đáng chú ý nhất, theo chỉ thị này, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên đưa ra một biện pháp mạnh trước vấn nạn đã được báo chí phản ánh từ rất lâu là các ngân hàng cạnh tranh ngầm, vượt trần lãi suất huy động đó là đình chỉ hoặc miễn nhiệm lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng vi phạm.


Dư luận, giới chuyên gia, doanh nghiệp và nhiều ngân hàng cùng hoan nghênh và ủng hộ tinh thần quyết liệt của tân Thống đốc trong việc kiên quyết thiết lập mặt bằng lãi suất huy động 14%.


Thời gian qua sóng ngầm lãi suất liên tục xảy ra, trần lãi suất mà Ngân hàng nhà nước đề ra gần như chẳng được ngân hàng nào chấp hành. Tất cả ngân hàng đều nhìn - ngó nhau mỗi khi ban hành chính sách huy động vốn cả tiền đồng lẫn USD nhằm giành giật khách của nhau hay ít nhất là để giữ khách, giữ thị phần cho mình. Thực tế này cho thấy, nếu ngân hàng nào nghiêm chỉnh, tuân thủ đúng quy định của ngân hàng nhà nước thì đều bị thiệt, thậm chí khó có thể trụ nổi trong bối cảnh có hàng trăm ngân hàng khác đang dùng mọi cách thức huy động vốn. Thực tế này cũng buộc các ngân hàng tìm cách lách luật hoặc hợp thức hóa khoảng chênh giữa lãi suất thực trả cho khách hàng với lãi suất trần 14% bằng nhiều chiêu khác nhau như thưởng, ủy thác đầu tư…


Sóng ngầm lãi suất và cạnh tranh theo kiểu không có luật của các ngân hàng đã khiến cho lãi suất bị méo mó và không minh bạch trong toàn hệ thống. Theo ước đoán của nhiều chuyên gia tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ gặp không ít trở ngại để thực hiện quyết tâm đưa mặt bằng lãi suất xuống 17% -19% như công bố. Bởi trong ngắn hạn, việc thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp về mặt lợi nhuận của các ngân hàng do phải giảm nhanh lãi suất cho vay, trong khi vẫn bị áp lực giữ các khách hàng huy động truyền thống. Điều mà không phải ngân hàng nào, nhất là ngân hàng TMCP mong muốn. Lúc này, vai trò của Ngân hàng Nhà nước là rất quan trọng, vì thực hiện trần lãi suất huy động 14% cần nhất sự đồng thuận, chỉ cần một ngân hàng không thực hiện thì cả hệ thống sẽ rối loạn. Thêm nữa nếu như thực hiện được, thì mới chỉ ước chừng có khoảng 40% số doanh nghiệp hiện tại dám tiếp cận vốn vay.


Theo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Trần Bắc Hà, cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi biến động dòng vốn trên thị trường, cụ thể đến từng ngân hàng và địa phương. Theo đó, hệ thống của ngân hàng Nhà nước trong ngày có thể biết sự gia tăng vốn đột biến hay suy giảm ở từng khu vực, từng ngân hàng... Đó là thông tin giúp lần ra các dấu vết và nguyên nhân của sự tăng giảm vốn để có biện pháp xử lý. Tất nhiên, khi ngân hàng nào cố tình làm sai để huy động vốn thì cũng dễ dàng tìm ra và xử lý.


Đặt niềm tin vào các biện pháp để giữ vững trần lãi suất nhưng ông Trần Bắc Hà cùng nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, điều quan trọng nhất trong dài hạn lãi suất cần tuân thủ các quy luật của thị trường và minh bạch. Những biện pháp hiện nay là cần thiết cho thời điểm cấp bách nhưng hy vọng đến 2012 khi tình hình ổn định thì trần lãi suất và các điều hành hành chính sẽ bãi bỏ.


Câu chuyện thứ 2 đáng chú ý là, trong bối cảnh lạm phát, bối cảnh tín dụng bất động sản bị siết chặt, thị trường bất động sản ngưng trệ, thì Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội dự kiến cho phép cả người có hộ khẩu tạm trú tại Hà Nội được mua nhà thu nhập thấp. Đây là tin vui. Song quanh câu chuyện nhà ở cho người có thu nhập thấp vẫn còn đó nhiều băn khoăn, nhiều câu hỏi vì sao cần có lời giải từ cơ quan quản lý vì như giá nhà thu nhập cao hay thấp? Vì sao lại mở rộng đối tượng mua nhà, nhất là vì sao nhiều nhà thu nhập thấp xin chuyển thành nhà thương mại? Theo ý kiến bình luận của Phó chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm, biến nhà thu nhập thấp thành nhà thương mại là các chủ đầu tư đạt siêu lợi nhuận. Khi nhận dự án thu nhập thấp được Nhà nước hỗ trợ đất đai, địa điểm tốt. Giờ đây khi chuyển sang bán nhà thương mại thì bán với giá trung bình thôi các chủ đầu tư cũng đã đạt được mức siêu lợi nhuận so với bán nhà thu nhập thấp. Vấn đề là phải đăng ký giá bán với cơ quan quản lý để giám sát.

Theo Đức Thành (Đại biểu nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.