Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm đã tập trung kiểm tra 62 sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội và 66 sàn tại TP Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều sàn giao dịch bất động sản hoạt động không minh bạch. Do vậy ông Yên cho biết, từ giờ đến cuối năm, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên cả nước.
Một trong những vụ án lớn về lừa đảo qua sàn giao
dịch bất động sản mới đây là ngày 7/7/2011, cơ quan CSĐT- Công an TP Hà
Nội đã bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hữu Trọng, Chủ
tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại
quốc tế Galaxy BSG Việt Nam.
Tại sàn giao dịch bất động sản của mình, Trọng đã
dùng giấy tờ giả mạo để vẽ nên một dự án không có thật với cái tên rất
mỹ miều là "Dự án nhà ở dân cư chất lượng cao Galatic BSG" tại lô đất
C12- 1, Khu đô thị Nam Trung Yên. Dự án không có thật nhưng Trọng đã
quảng cáo trên các địa chỉ mua bán bất động sản và tại sàn giao dịch
bất động sản của mình, đây là dự án tiềm năng với vị trí "đắc địa":
phía Tây giáp đường Trung Kính đang mở 40m, phía Đông nhìn ra đường
Phạm Hùng, phía Bắc nhìn ra đường Trần Duy Hưng, phía Nam nhìn ra hồ
điều hòa. Rất nhiều khách hàng đã yên tâm khi đổ tiền vào đầu tư tại
đây.
Số tiền Trọng lừa đảo của các nạn nhân lên đến hàng chục tỷ đồng. Cơ quan CSĐT đã làm rõ, đất tại Khu đô thị Nam Trung Yên mà Galaxy "vẽ" ra xây chung cư cao cấp thuộc về Công ty cổ phần Cơ khí sửa chữa ôtô Sài Gòn. Lợi dụng việc chủ sở hữu chưa sử dụng diện tích này, đối tượng đã làm giấy tờ giả để "biến" thành đất của công ty mình.
Trước đó, đầu tháng 6/2011, cơ quan CSĐT - Công an TP
Hà Nội cũng đã bắt giam để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền
hạn để chiếm đoạt tài sản đối với Trương Chiến Bình, Tổng Giám đốc Sàn
giao dịch bất động sản Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị
(UDIC).
|
Giao dịch bất động sản hoạt động không minh bạch có thể bị điều tra. |
Trước đó, Công an Hà Nội đã bắt quả tang hành vi giao
nhận số tiền gần 4,4 tỷ đồng giữa Giám đốc kinh doanh Sàn bất động sản
UDIC, Nguyễn Trần Linh và nhân viên kinh doanh Đặng Quang Huy với một
khách hàng mua nhà dự án tại khu Trung Yên. Giá ghi trong hợp đồng là
135 triệu đồng/m2 nhưng hai vị cán bộ này "ra giá" 187 triệu đồng/m2.
Sau khi bị bắt, 2 cán bộ này đã khai chuyện nâng giá là làm theo chỉ đạo của Trương Chiến Bình. Mở rộng điều tra, cơ quan CSĐT đã xác định, tại Sàn giao dịch bất động sản UDIC đã tiến hành giao dịch thành công 7/12 căn hộ liền kề thấp tầng tại dự án khu K thuộc khu nhà Yên Hoà (Cầu Giấy) thu về số tiền "vênh" gần 330 tỷ đồng.
Cũng theo ông Phạm Gia Yên, qua các đợt kiểm tra
trong 6 tháng đầu năm vừa qua, đã phát hiện nhiều sai phạm tại các sàn
giao dịch bất động sản như: thành lập và hoạt động không đúng quy định;
không đủ nhân viên có chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá; chủ đầu
tư bán bất động sản không thông qua sàn; bán bất động sản không đủ điều
kiện; huy động vốn vượt quá 70% khi chưa xong phần móng; bán bất động
sản không thông qua sàn nhưng vẫn xác nhận thông qua sàn…
Thanh tra Bộ Xây dựng đã ra 20 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt là 1,62 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây có lẽ cũng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" bởi theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thì hiện cả nước có 913 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động, nhưng đa phần hoạt động không hiệu quả, nhiều sàn chỉ đăng ký rồi để đấy. Tình trạng sàn móc ngoặc với chủ đầu tư, "cò" nhà đất "làm giá", ăn tiền chênh lệch, hoạt động mập mờ vẫn phổ biến diễn ra và chưa được kiểm soát.
Có ý kiến cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm trong
lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện này còn quá nhẹ, bởi trong các
đợt kiểm tra vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng mới chỉ ban hành các quyết
định xử phạt hành chính với mức phạt thấp nhất là 50 triệu đồng, cao
nhất là 210 triệu đồng. Mức phạt kiểu này chưa đủ sức răn đe với các
sàn giao dịch bất động sản vì chưa tương xứng với những khoản lợi bất
chính lớn mà các sàn này thu được từ việc sai phạm.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Gia Yên cho biết, từ nay đến cuối năm, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất và thường xuyên tại các điểm nóng, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu không minh bạch sẽ chuyển cơ quan điều tra, chứ không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chấn chỉnh bằng biện pháp xử phạt hành chính như các đợt kiểm tra vừa qua