Tôi cho ông hay rằng đang có 2 luồng. Thứ nhất là giữ nguyên điều 5 Luật đất đai năm 2003 “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu”, mọi tập thể, tổ chức, cá nhân… chỉ có quyền sử dụng đất do nhà nước giao, nhưng tăng thời hạn sử dụng đất, nhất là đất canh tác, cho dân, 50 năm, thậm chí 99 năm. Hai là sửa điều 5, đa dạng hóa quyền sở hữu đất đai. Ngoài đất đai thuộc sở hữu nhà nước còn có đất đai thuộc sở hữu của cá nhân, tập thể hay tổ chức. Vị lãnh đạo tỉnh đã rất ngạc nhiên trước luồng ý kiến thứ hai này:
- Cho dân được sở hữu đất đai? Thế thì việc thu hồi đất sẽ càng gặp rắc rối hơn, càng phát sinh khiếu kiện nhiều hơn. Cả chục năm nay, nhiều lúc tôi đã tưởng vỡ đầu về chuyện khiếu kiện ở những địa phương bị thu hồi đất rồi.
- Trái lại, khi đó sẽ làm gì còn chuyện thu hồi, đền bù. Không có chuyện đó thì làm gì còn khiếu kiện vì gần như 100% số vụ khiếu kiện phát sinh khi thu hồi đất đều là khiếu kiện về giá đền bù quá thấp. Trừ những trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, còn thì nhà nước cứ việc quy hoạch. Doanh nghiệp cần đất làm nhà máy, làm khu đô thị… phải mua của dân theo giá thị trường, một thị trường đất đai lành mạnh. Dân chỉ việc cắm biển trên thửa đất của mình ghi rõ giá bán, thuận thì mua, vừa thì bán. Nhà nước chẳng cần phải can thiệp. Khoảng bảy, tám chục phần trăm số vụ khiếu kiện, và cũng khoảng chừng ấy vụ tham nhũng trên cả nước sẽ được giảm bớt. Những dự án “treo”, những khu đất bị thu hồi rồi bỏ hoang hàng chục năm cũng sẽ không còn.
Thấy vị lãnh đạo tỉnh đó không sao hình dung được việc các doanh nghiệp hay các nhà đầu tư phải mua từng thửa đất của dân. Bởi “đã thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, làm cả hạ tầng nữa mà trải thảm đỏ mời nó (các doanh nghiệp) nó còn chẳng thèm vào nữa là”, tôi rất buồn. Không chỉ ông, mà hầu hết các vị lãnh đạo của những cơ quan có thẩm quyền tôi từng gặp, đều cùng một lối tư duy thẳng băng như thế này: Đất là sở hữu nhà nước, cần bao nhiêu nhà nước cứ việc thu hồi, cứ định giá đền bù. Ai không nhận, gửi tiền vào kho bạc. Ai không giao đất, cưỡng chế…
Những ngày này, trên đường từ ngã ba
Hòa Lạc đến Sơn Tây (Hà Nội), điều khiến tôi đặc biệt chú ý là có tới cả
chục tấm biển cắm rải rác. Tuy kích thước khác nhau nhưng tất cả đều
cùng một nội dung: dưới lời rao bán đất (xin gọi thế cho gọn, bởi chính
xác ra thì phải gọi là bán quyền sử dụng đất) có dòng ghi giá cả rất rõ
ràng, biển đề 1 triệu, biển đề 2, 3 triệu, có biển đề tới 5 triệu… trên
mỗi mét vuông. Trước nay, khi thông tin bán đất, bao giờ người ta cũng
chỉ ghi điện thoại của người cần bán, người mua sẽ liên hệ, gặp người
bán rồi mới thỏa thuận giá cả.
Biển rao bán đất mọc lên nhan nhản
Việc ghi giá đất rõ ràng này, phải chăng là tín hiệu cho thấy thị trường đất đai đang hình thành. Dân dựng biển, “ra giá” giá trị quyền sử dụng trên những thửa đất của mình để doanh nghiệp hay nhà đầu tư thương thảo, thỏa thuận. Nếu chuyện này trở thành chuyện bình thường trên cả nước, thì hay biết bao nhiêu. Thị trường đất đai (dẫu đó mới chỉ là thị trường quyền sử dụng đất) sẽ ngày càng trở nên minh bạch, lành mạnh. Người dân được toàn quyền định đoạt giá trị của quyền sử dụng trên thửa đất của mình, không phải nhận những thứ giá từ “trên trời” dội xuống, không biết cái giá ấy được hình thành, được quyết định trên cơ sở nào, và như vậy là họ không bị thiệt thòi, thậm chí còn trở nên giầu có nữa.
Nhưng tôi đã thất vọng. Theo số điện thoại của một chủ đất ghi trên một tấm biển, tôi liên hệ được với anh. Anh tên là Nguyễn Thái Bình, 48 tuổi, người huyện Thạch Thất (Hà Nội). Và dưới đây là câu chuyện của chúng tôi:
- Anh dựng biển, ghi giá bán 2 triệu một mét vuông là để bán cho doanh nghiệp phải không?
- Không phải. Khu này nằm trong quy hoạch, bị thu hồi hết cả rồi. Chỉ còn những mảnh đất không nằm trong quy hoạch, không bị thu hồi, một vài trăm, ba bốn trăm mét vuông, chả doanh nghiệp nào thèm mua. Nhà tôi còn hơn hai trăm mét vuông, cần tiền phải bán, thì treo cái biển đề luôn giá lên đó, may ra có người thấy giá rẻ, họ mua chăng. Thấy tôi làm vậy, nhiều anh khác cũng làm theo.
- Nhưng sao anh lại ghi cả vào biển là “tư vấn nhà đất”?
- Thì tôi là người ở đây, tôi bán đất của tôi và tôi còn biết nhiều anh khác muốn bán nữa. Ai mua đất của tôi thì mua, không mua mà muốn mua đất khác, tôi mách, mua bán mà thành thì kiếm được tý hoa hồng. Đề biển vậy cho nó oai chứ tư vấn cái quái gì, chỉ mách mối thôi.
- Anh bị thu hồi nhiều đất không?
- Đất ruộng, đất màu bị thu sạch, chỉ còn tý đất ở thôi.
- Giá khi nhà nước thu hồi, dân ta cũng dựng biển như thế để doanh nghiệp thỏa thuận thì tốt quá.
- Ai dám làm như thế cơ chứ. Chúng tôi biết rất rõ những dự án nào thuộc loại khi tiến hành giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp phải thỏa thuận mức đền bù với dân. Nhưng có bao giờ dân được thỏa thuận? Chỉ thấy quyết định thu hồi, quyết định phê duyệt giá đền bù từ trên dội xuống. Nơi nào tốt thì họ còn công khai quyết định. Có nơi họ còn không thèm cho dân xem, chỉ thông báo miệng qua loa trong một vài cuộc họp cũng rất qua loa, thế rồi gọi ra lấy tiền. Chỉ cần thắc mắc thôi, đã gặp đủ thứ rắc rối rồi. Treo biển đòi giá đền bù trên đất bị thu hồi, để tra tay vào còng à?
Chủ nhân của một tấm biển bán đất khác là ông Trần Văn Thóa thì lại có cách nhìn khác với anh Bình:
- Nói doanh nghiệp không thỏa thuận thì cũng không đúng. Thực ra là họ có thỏa thuận đấy chứ. Nhưng tôi hỏi anh: Nếu anh muốn mua một cái xe máy chẳng hạn, thì anh thỏa thuận với chủ sở hữu chiếc xe máy đó hay thỏa thuận với người đang mượn cái xe của chủ sở hữu để sử dụng? Đất đai cũng vậy thôi. Đất đai là sở hữu của nhà nước, nên doanh nghiệp muốn mua hay thuê, thì họ thỏa thuận với nhà nước, tức là với cơ quan có thẩm quyền ở nơi có đất, chứ họ đâu có thỏa thuận với dân. Chủ sở hữu sẽ đòi lại đất mà họ đang cho dân sử dụng để bán hay cho doanh nghiệp thuê. Làm thế, doanh nghiệp lợi hơn nhiều là đi thỏa thuận với dân.
Thì ra vậy. Thế mà tôi cứ tưởng…