07/12/2011 12:52 AM
Theo kế hoạch, đến năm 2015 bình quân diện tích nhà ở sẽ đạt 17m2/người (hiện tại 14,3m2/người). Để thực hiện điều này, TP phải xây dựng được 39 triệu mét vuông. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trì trệ liệu kế hoạch này có đạt được mục tiêu đề ra?
Khó khăn quỹ nhà

Nhìn lại giai đoạn 2006-2010, TP đã phát triển được 33,34 triệu mét vuông sàn xây dựng (trung bình mỗi năm xây dựng được 6,67 triệu mét vuông), vượt 4% chỉ tiêu đề ra. Tổng diện tích nhà ở đạt 102,84 triệu mét vuông và nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 14,3m2/người. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà ổ chuột, nhà trọ kém chất lượng vẫn còn rất cao. Trong khi đó chương trình xây dựng nhà thu nhập thấp và di dời nhà trên kênh và ven kênh rạch còn nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả mong muốn. Điển hình là quận 8, không thể xây dựng quỹ nhà tái định cư khoảng 5.000 căn cho việc giải tỏa nhà lụp xụp ở rạch Ụ Cây và khu chợ Xóm Củi, những khu vực cần giải tỏa gấp nhằm chỉnh trang đô thị ven kênh rạch. Theo quyết định của UBND TP, đến 2020, quận 8 sẽ phải giải tỏa toàn bộ 26.600 căn nhà ven kênh rạch, nhà lụp xụp trên địa bàn quận. Để thực hiện việc này, quận cần khoảng 3.500 tỷ đồng.

Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2011-2015: Không dễ đạt mục tiêu
Quỹ nhà ở chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân TP Hồ Chí Minh.

Theo Sở Xây dựng TP, giai đoạn 2011-2015 dự kiến nhu cầu tái định cư khoảng hơn 83.000 hộ, nhưng do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, lập dự án, nguồn vốn đầu tư… nên TP chỉ có thể bố trí tái định cư khoảng 35.000-40.000 căn hộ, nền đất. Giai đoạn 2011-2015, TP đề ra mục tiêu tỷ lệ nhà kiên cố đạt hơn 75%, cơ bản xóa nhà đơn sơ; đồng thời, hoàn thành cơ bản di dời, tái định cư hàng chục ngàn hộ dân sống trên và ven kênh rạch... Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết, để chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân phải nỗ lực rất lớn. Trong 5 năm tới, TP vẫn xác định chương trình nhà ở là chương trình chiến lược, trọng tâm.

Nhà ở xã hội - thiếu cơ chế


Có một thực tế mâu thuẫn là nhu cầu nhà ở của cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn TP rất lớn, tới khoảng 20 ngàn người, nhưng giá đất hiện nay cao một cách rất phi lý. Nguyên nhân chính là tình trạng đầu cơ đã đẩy giá nhà cao hơn thực tế, chủ yếu là mua đi bán lại kiếm tiền chênh lệch.


Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Tấn Bền thừa nhận, cơn sốt nhà đất thời điểm 2007-2008 đã đẩy giá gấp 2-3 lần, từ năm 2009 đến nay có giảm nhẹ nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Cụ thể, phân khúc nhà trung bình là 19,3 triệu đồng/m²; nhà thu nhập thấp 14,1 triệu đồng/m²; nhà cao cấp 36,8 triệu đồng/m² và nhà hạng sang 85,8 triệu đồng/m2. Với mặt bằng thu nhập trung bình của CBCNVC hiện nay vào khoảng 3-6 triệu đồng/tháng thì việc mua nhà là không tưởng.


Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng này, nhiều năm qua, TP đã khuyến khích phát triển quỹ nhà ở xã hội, mặc dù đã có chủ trương, tuy nhiên cơ chế cụ thể chưa có khiến hàng loạt dự án vẫn nằm chờ. Thống kê của Quỹ phát triển nhà ở TP cho thấy, trong số 100 dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp đã được đăng ký trên địa bàn TP, đến nay mới chỉ có 6 dự án đang xây dựng và 17 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.


Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP cho rằng, nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp ít tham gia vào loại hình dự án nhà ở xã hội đó là do chưa có chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể, khả năng thu hồi vốn chậm, vì thế đầu tư không có lời. Mặt khác khi tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thu thập thấp, các chủ đầu tư phải chủ động bồi thường giải phóng mặt bằng, giá căn hộ thì do Nhà nước thẩm định, đối tượng được mua lại hạn chế và Nhà nước thì chưa có chế độ hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các đối tượng này nên việc thu hồi vốn lâu.


UBND TP đã đề xuất phát triển loại hình nhà ở xã hội, theo đó cần có chính sách hỗ trợ để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội; đồng thời định hướng điều tiết thị trường bất động sản phát triển đúng hướng nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân đối ở các phân khúc nhà ở. TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, Chính phủ nên ban hành chính sách thuế, cải tiến thủ tục cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, ưu đãi cho doanh nghiệp và huy động nguồn vốn xã hội hóa; xây dựng chiến lược phát triển nhà ở trên nền tảng cho đối tượng là người thu nhập thấp, cán bộ công chức... đồng thời tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho người dân.

Theo Nguyễn Hoàng (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.