23/03/2011 9:13 AM
Mặc dù chương trình nhà ở xã hội được triển khai hơn 1 năm với nhiều dự án được đăng ký xây dựng, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu thực tế của lượng lớn người thu nhập thấp. Theo các doanh nghiệp, vẫn chưa có sự phối hợp, chung tay hỗ trợ từ phía các ngành và địa phương trong việc xây dựng nhà ở xã hội.
alt
Chương trình nhà ở xã hội được nhiều dự án đăng ký xây dựng
nhưng mới đáp ứng được một phần so với nhu cầu thực tế
Ảnh: Hoàng Long
“Có thể nói chương trình nhà ở xã hội mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng vẫn có thể thất bại”, đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành.
Hiệu quả không cao
Mặc dù chương trình nhà ở xã hội được triển khai hơn 1 năm với nhiều dự án được đăng ký xây dựng, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu thực tế của lượng lớn người thu nhập thấp.
TP. Hồ Chí Minh đã có 6 chủ đầu tư đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp quy mô diện tích đất 22,4 ha với 8.760 căn hộ phục vụ cho khoảng 31.650 ngàn người. Nhưng, tính đến thời điểm này chỉ có dự án khu dân cư Hạnh Phúc (huyện Bình Chánh) đang xây dựng. Bên cạnh đó, 22 dự án nhà ở cán bộ công nhân viên được giao đất trước khi có Luật Nhà ở có hiệu lực nhưng hầu hết vẫn trong hiện trạng đang giải tỏa, đã san lấp hoặc đang chờ hoàn tất thủ tục trình duyệt dự án. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Xây dựng thì định hướng 10 năm tới nhà ở xã hội sẽ lên đến 600 ngàn căn, tức là trung bình có đến 60 ngàn căn hộ/năm. Nhiều nhà đầu tư xây dựng có vẻ quan ngại với con số không tưởng trên.
Được biết, Công ty địa ốc Đất Lành đã từng xem xét thị trường để đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập trung bình nhưng đã rút lui. Ông Nguyễn Văn Đực phân trần: “Có thể nói chương trình nhà ở xã hội mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng vẫn có lẽ thất bại. Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội hoàn thành xây dựng 815 căn hộ, TP. Hồ Chí Minh 112 căn hộ là quá ít (Năm 2011 Hà Nội bán hơn 3.400 căn hộ giá 17 triệu đồng/m2, còn TP. Hồ Chí Minh chưa chắc có thêm căn nào)”. Sở dĩ, chương trình nhà ở xã hội có nhiều đơn vị đăng ký tham gia nhưng con số thực hiện được rất ít là do doanh nghiệp vướng nhiều về thủ tục và chính sách ưu đãi về tài chính.
Doanh nghiệp loay hoay
Các doanh nghiệp xây dựng cho hay, chưa có sự phối hợp, chung tay hỗ trợ từ phía các ngành và địa phương trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Ngân hàng hạn chế cho vay, lãi suất quá cao, đặc biệt là doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn tài chính.
Năm 2011, với tổng số vốn cần có để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở mức 600 tỷ đồng, nhưng hiện Công ty cổ phần Sông Đà - An Nhân vẫn “loay hoay” tìm vốn. Bà Lê Thị Liễu Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà - An Nhân than thở: “Để ra một bản quy hoạch chi tiết 1/500 mất đến 3 năm trời. Xong thủ tục xây dựng lại gặp khó khăn về vốn. Hầu hết, các ngân hàng đều lắc đầu khi biết doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp”. Theo bà Liễu, nếu được hỗ trợ tài chính và chính sách từ Nhà nước, công ty này sẽ góp cho TP. Hồ Chí Minh 920 căn nhà phục vụ chương trình này.
Cùng chung ý kiến với Công ty Sông Đà – An Nhân, ông Đực cho rằng, vật liệu xây dựng tăng giá chóng mặt nhưng chủ đầu tư chỉ được hỗ trợ ở mức lãi suất 10%. Mà để ra một sản phẩm, doanh nghiệp phải lặn lội hơn 6 năm trời. Đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ở thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách hạn chế, việc khuyến khích các chủ đầu tư tham gia bỏ vốn xây dựng không đạt hiệu quả vì tính kinh tế không cao...
Trước tình trạng xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp không được doanh nghiệp “mặn mà”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, hiện, có những khu đất mặt tiền bị bỏ hoang, kho hàng cỏ mọc um tùm, bến bãi ngập nước. Nếu Nhà nước tập hợp quỹ đất này để xây dựng căn hộ cho người thu nhập thấp thì sẽ giải quyết được rất nhiều chỗ ở cho cư dân đô thị. Doanh nghiệp bất động sản do không có quỹ đất nên ngần ngại đầu tư xây nhà cho thuê. Trong khi đó, Nhà nước có trong tay quỹ đất công hàng nghìn m2 lại chưa mặn mà khai thác hình thức này.
Ông Nguyễn Tất Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, các chủ đầu tư không có quỹ đất sạch mà phải chủ động bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà ở xã hội. Để có thể giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản yêu cầu: “TP. Hồ Chí Minh nên quan tâm đến nhà ở cho người thu nhập thấp ở khu đô thị bằng hình thức xã hội hóa. Thời gian tới, thành phố nên đảm bảo quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội”.
Cafeland.vn - Theo Báo Đại Đoàn Kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland