"Không chỉ có các dự án nhà thu nhập thấp đã được khởi công xây dựng để cải thiện nơi ở cho các đối tượng xã hội, điều có ý nghĩa hơn, chúng ta đã làm thay đổi nhận thức trong xã hội. Tất cả mọi người phải vào cuộc, chung tay giải quyết vấn đề an sinh xã hội...". Ðó là ý kiến của đại diện Bộ Xây dựng khi nhìn nhận về các dự án nhà ở đã và đang được triển khai trong cả nước.


Sôi động trong cả nước

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, ngay khi ra đời, các chính sách về phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội đã được sự hưởng ứng của toàn dân, nhất là của chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp ngành xây dựng. Số các dự án được đăng ký, khởi công có thể còn xa với nhu cầu, nhưng với những gì đã làm được, chứng tỏ chính sách đã bắt đầu đi vào cuộc sống, tuy nhiên là một quá trình lâu dài.

Thực tế, trong một thời gian ngắn đã có khoảng 190 dự án nhà thu nhập thấp (TNT) với số vốn gần 30 nghìn tỷ đồng được đăng ký, với quy mô trên bảy triệu m2 nhà ở, tương đương 170 nghìn căn hộ. Trong đó đã có khoảng 35 dự án được khởi công xây dựng, với số vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 55 nghìn người. Các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp cũng đã có 25 dự án được khởi công với số vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng. Nhà ở dành cho sinh viên đã có 88/95 dự án được khởi công, với tổng số vốn trái phiếu Chính phủ đạt tới 3.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ cung cấp 33 nghìn chỗ ở cho sinh viên.

Những năm qua, nhiều địa phương đã nỗ lực thúc đẩy tạo lập quỹ nhà cho người TNT, công nhân lao động, học sinh, sinh viên. Tại Hà Nội, các dự án nhà TNT được khởi công đã có quy mô khoảng 25 nghìn căn hộ, trong đó có một số dự án như Ngô Thì Nhậm, Việt Hưng đã xây dựng hoàn thành, bắt đầu bán nhà. Thành phố phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng 60% sinh viên có nhu cầu được thuê nhà trong ký túc xá; 50% công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết nhà ở; cơ bản giải quyết chỗ ở cho người TNT khu vực đô thị có nhu cầu bức xúc về nhà ở với khoảng 15.500 căn hộ, tương ứng với khoảng 1,5 triệu m2. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, cơ bản số lượng nhà đầu tư đăng ký các dự án đã bảo đảm kế hoạch đề ra đến năm 2015. Trong hai năm tới sẽ có rất nhiều các dự án nhà ở xã hội được triển khai trên địa bàn. Cụ thể như khu nhà ở cho người TNT tại Mê Linh, Ðại Thịnh II do Tập đoàn Phát triển nhà và Ðô thị làm chủ đầu tư, với hơn 4.000 căn hộ, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2010 này. Khu nhà ở cho người TNT tại quỹ đất dự trữ 18 ha khu đô thị Bắc An Khánh, Hoài Ðức do Tổng công ty VINACONEX và Tổng công ty Handic làm chủ đầu tư với quy mô 10 nghìn căn hộ cũng sắp được khởi công .

Tại TP Hồ Chí Minh, 8.300 căn nhà ở xã hội cũng đã được xây dựng, tương đương hơn 1,2 triệu m2 sàn góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở cho các đối tượng là cán bộ, công nhân viên, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân... Riêng trong năm 2010, TP đã khởi công ba dự án nhà ở xã hội với diện tích đất là 2,65 ha, quy mô 1.280 căn nhà ở xã hội, tương đương hơn 110 nghìn m2 sàn, dự kiến hoàn thành vào năm 2011-2012. Trong giai đoạn 2011 - 2015, TP Hồ Chí Minh cũng thúc đẩy và phát triển bảy dự án nhà ở cho người TNT với quy mô 22,6 ha, tổng diện tích sàn xây dựng 837 nghìn m2 với 10 nghìn căn hộ; phấn đấu xây dựng hoàn thành chín dự án nhà lưu trú công nhân với tổng diện tích đất 30,22 ha, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 555.190 m2.

TP Ðà Nẵng cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội. Ðến nay, TP đã triển khai xây dựng được 127 khối nhà chung cư, dự kiến bố trí cho 11.332 căn hộ, trong đó 66 khối nhà với 2.859 căn đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng, còn 61 khối nhà với 8.473 căn hộ (gồm 42 nhà xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách và 19 nhà từ các nguồn vốn khác) đang được khẩn trương thi công và hoàn tất hồ sơ để khởi công xây dựng. TP còn triển khai xây dựng nhà cho người nghèo có đất ở ổn định và tiến hành khảo sát chọn 2.000 hộ đặc biệt nghèo để xét bố trí chung cư. Ngoài ra, TP cũng đã khởi công dự án khu nhà ở cho công nhân và các dịch vụ kèm theo tại khu công nghiệp quận Liên Chiểu với tổng diện tích sử dụng đất là 57.951 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Khi công trình được đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo chỗ ở ổn định cho hơn 30 nghìn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Chậm triển khai vì thiếu vốn

Theo kết quả tổng điều tra dân số mới đây, có khoảng 500 nghìn hộ gia đình đang có tổng diện tích bình quân khoảng 5 - 6 m2/người, đó là chưa kể các hộ gia đình trẻ còn chưa có nhà ở. Thực tế, số các dự án còn khoảng cách xa so với nhu cầu.

Trước những bức xúc về nhu cầu nhà ở hiện nay, cần thúc đẩy việc triển khai các dự án, trong khi đó theo các doanh nghiệp, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu vốn. Các dự án không sử dụng vốn ngân sách mà chủ yếu trông chờ vào vốn huy động từ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp. Hiện nay có khoảng 130 dự án nhà ở TNT và hơn 70 dự án nhà công nhân khu công nghiệp có nhu cầu vay vốn. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp phản ánh rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, thủ tục đầu tư phức tạp hơn dự án kinh doanh bất động sản thông thường như các quy định về thiết kế, đấu thầu và phê duyệt dự toán.

Tạo động lực

Ðể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc triển khai chương trình nhà xã hội trên địa bàn cả nước, Bộ Xây dựng cho biết, hiện bộ đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải quyết việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và người có TNT vay đến mức tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Theo đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ yêu cầu các Sở giao dịch, chi nhánh Ngân hàng Phát triển tại các địa phương thẩm định, giải quyết việc cho vay theo danh mục các dự án do Bộ Xây dựng đề xuất.

Ông Phạm Trung Tuyến, Trưởng văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cho biết: Trước mắt, việc giải ngân sẽ ưu tiên cho những dự án có đủ điều kiện triển khai ngay tại các đô thị lớn, địa phương có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Một số dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng tại Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Ðồng Nai sẽ được lựa chọn làm thí điểm. Ngoài giải quyết vấn đề về vốn, theo các chuyên gia quản lý và các doanh nghiệp, phải giải quyết nhiều vấn đề để việc triển khai chính sách nhà ở xã hội nhanh chóng đạt hiệu quả, cụ thể như về quy hoạch để bố trí đất, xác định được nơi nào có thể lập dự án nhà ở xã hội, xác định rõ đối tượng được hưởng, cũng như mô hình quản lý sau khi đưa vào sử dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...

Thực tế hiện nay, việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội còn phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất 20% trong các dự án xây dựng nhà đô thị. Diện tích này sẽ không đáp ứng đủ các dự án nhà xã hội. Nhiều chủ đầu tư đang phải chủ động tìm kiếm, đề xuất vị trí dự án. Giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thời gian tới các địa phương phải có quy hoạch rạch ròi, đâu là đất nhà ở thương mại, đâu là đất nhà ở xã hội và tỷ lệ phải thích đáng. Ðồng thời cần có cơ chế khuyến khích chủ đầu tư các khu công nghiệp cần chủ động bố trí quỹ đất sạch ngay tại các khu công nghiệp để xây dựng nhà ở cho công nhân.

Cafeland.vn - Theo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland