CafeLand - Tuy nhiên, rủi ro của VPBank đối với mảng tài chính tiêu dùng không có tài sản đảm bảo đã giảm một nửa sau khi bán 49% cổ phần của FE Credit cho Sumitomo Mitsui. Chứng khoán Yuanta cho rằng đây là một sự thành công lớn đối với VPBank cả về hoạt động của ngân hàng và mức định giá tài sản.

Công ty Chứng khoán Yuanta (Yuanta Securites) vừa phát hành báo cáo phân tích triển vọng cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng” với tiêu đề “Nguồn vốn dồi dào thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh”.

Công ty Chứng khoán Yuanta dự báo tăng trưởng cho vay của VPB sẽ đạt mức 16% trong năm 2021 và và đạt 15% vào năm 2022. Nguồn vốn của VPB sẽ tăng mạnh sau khi thoái vốn FE Credit và hoàn tất kế hoạch tăng vốn vào năm 2022.

NHNN đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng mới là 12,1% cho năm 2021 so với hạn mức ban đầu là 8,5%. Tuy nhiên, VPB có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 25 nghìn tỷ đồng lên 45 nghìn tỷ đồng thông qua việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng trong năm 2021. Chứng khoán Yuanta kỳ vọng, với lượng vốn dồi dào này, NHNN một lần nữa sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng mới cho VPB trước khi kết thúc năm.

Chứng khoán Yuanta cho rằng thu nhập khoảng 32.300 tỷ đồng (1,4 tỷ USD) từ việc bán cổ phần FE Credit có thể được sử dụng làm nguồn vốn tự có để cho vay. Với lợi suất cho vay bình quân là 15% trong giai đoạn 2019-2020, Chứng khoán Yuanta ước tính rằng 32.300 tỷ đồng vốn sẽ tạo ra thêm khoảng 5,0 nghìn tỷ đồng thu nhập lãi thuần (tương ứng 15% thu nhập lãi thuần vào năm 2020). Lợi suất thực tế hơn ở mức trung bình 10% (lợi suất trung bình của ngân hàng mẹ) sẽ tạo ra 3,2 nghìn tỷ đồng (10% thu nhập lãi thuần hợp nhất năm 2020 và 22% thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ năm 2020)

Tuy nhiên, Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng, mảng tài chính tiêu dùng không có tài sản bảo đảm của VPB vẫn là mối lo ngại chính trong khi đại dịch vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu và khoản trích lập dự phòng tại FE Credit sẽ tăng lên, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, rủi ro của VPB đối với mảng tài chính tiêu dùng không có tài sản đảm bảo đã giảm một nửa sau khi bán 49% cổ phần của FE Credit cho Sumitomo Mitsui. Chứng khoán Yuanta cho rằng đây là một sự thành công lớn đối với VPB cả về hoạt động của ngân hàng và mức định giá tài sản.

Theo quan điểm của Chứng khoán Yuanta, các ngân hàng có liên quan đến tài chính tiêu dùng không có tài sản đảm bảo (như VPB, HDB và MBB) có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch. VPB sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn đáng kể so với HDB và MBB do VPB có tỷ trọng mảng tài chính tiêu dùng cao hơn. Tính đến quý 1/2021, FE Credit chiếm 20% tổng dư nợ hợp nhất của VPB, trong khi HD Saison chỉ chiếm 8% tổng dư nợ hợp nhất của HDB và MCredit chiếm 3% tổng dư nợ hợp nhất của MBB. Tuy nhiên, về mặt tích cực, VPB đã giảm tỷ lệ sở hữu tại FE Credit xuống chỉ còn 50% sau khi bán 49% cổ phần cho Sumitomo Mitsui hồi tháng 4/2021, điều này làm giảm rủi ro do cả hai cổ đông sẽ chia sẻ các khoản lỗ từ mảng tài chính tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, nếu có.

  • Vì sao lợi nhuận VPBank tăng vọt bất chấp đại dịch Covid-19?

    Vì sao lợi nhuận VPBank tăng vọt bất chấp đại dịch Covid-19?

    CafeLand - Trong nửa đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận hơn 11.530 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp 2,75 lần so với 6 tháng đầu năm 2020 (4.189 tỷ đồng). Nguồn lợi nhuận khủng của nhà băng tư nhân này trong nửa đầu năm 2021 đến từ đâu?

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.