CafeLand - Trong nửa đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận hơn 11.530 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp 2,75 lần so với 6 tháng đầu năm 2020 (4.189 tỷ đồng). Nguồn lợi nhuận khủng của nhà băng tư nhân này trong nửa đầu năm 2021 đến từ đâu?

Ngày 28/4/2021, VPBank đã ký thỏa thuận bán lại phần vốn góp tại công ty con là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (Fe Credit) cho Công ty SMBC Consumer Finance (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) với tỷ lệ tương ứng là 49% và 1% vốn điều lệ tại FE Credit.

FE Credit là công ty tài chính động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng – vốn xuất phát là một phận kinh doanh nhỏ thuộc VPBank. FE Credit được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của ngân hàng mẹ VPBank. Tính từ khi thành lập năm 2015 đến trước thời điểm bán vốn, FE Credit đã mang lại cho VPBank trên dưới 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

Thời điểm bán vốn cho đối tác Nhật Bản, VPBank cho biết, mức định giá để bán FE Credit là 2,8 tỷ USD, định giá lớn hơn cả một ngân hàng tầm trung tại Việt Nam như HDBank, SHB, OCB... Với mức định giá này, 50% vốn FE Credit có giá 1,4 tỷ USD (tương đương khoảng 32.200 tỷ đồng). Trước thời điểm bán vốn, ngày 27/4/2021, VPBank tăng vốn điều lệ Fe Credit lên 10.928 tỷ đồng.

Theo ước tính của FiinGroup, giao dịch thoái vốn sẽ đóng góp khoảng 26.500 tỷ đồng vào lãi trước thuế của VPBank trong năm 2021. Con số ngày có thể được ghi nhận trong 6 tháng cuối năm khi các thủ tục chuyển nhượng hoàn tất.

Trích báo cáo tài chính riêng quý 2/2021 của ngân hàng mẹ VPBank.

Tại thời điểm 30/6/2021, VPBank đã ghi lợi nhuận 3.600 tỷ đồng từ Fe Credit chuyển về. Phần lợi nhuận này được ghi vào mục thu nhập từ góp vốn mua cổ phần quý 2/2021 của ngân hàng mẹ VPBank, một trong những động lực đóng góp chính vào lợi nhuận tăng vọt trong 6 tháng đầu năm của nhà băng này.

Nếu trừ đi 3.600 tỷ đồng thu nhập từ góp vốn mua cổ phần, VPBank vẫn lãi trước thuế 7.903 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2021, cao gần gấp đôi so với con số lãi của nửa đầu năm 2020.

Các con số từ báo cáo tài chính quý 2/2021 của ngân hàng này cho thấy, các khoản thu nhập đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, thu nhập lãi thuần (bao gồm: lãi tiền gửi, lãi cho vay, lãi từ kinh doanh đầu tư chứng khoán, thu phí nghiệp vụ bảo lãnh, thu lãi từ hoạt động mua bán nợ, thu khác từ hoạt động tín dụng) đạt 9.755 tỷ đồng, gấp 1,42 lần so với cùng kỳ.

Lãi từ hoạt động dịch vụ (thanh toán, tư vấn, bảo hiểm...) đạt 1.836 tỷ đồng, gấp 1,27 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, lãi từ mua bán chứng khoán đàu tư đạt 1.639 tỷ đồng, gấp 2,66 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra, các hoạt động khác (thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác, các khoản nợ đã xử lý thu hồi được, thu nhập từ thanh lý tài sản...) còn đem về cho VPBank 975 tỷ đồng lãi thuần, tăng 54% so với cùng kỳ.

Trích báo cáo tài chính riêng quý 2/2021 của ngân hàng mẹ VPBank.

Mặc dù chi phí dự phòng tăng gấp 1,3 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý 2/2021 của ngân hàng mẹ VPBank ghi nhận 9.944,97 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.