Một chuyên gia tài chính nước ngoài đã nhận xét như vậy. Trong bối cảnh TTCK đang èo uột và đầy rủi ro như hiện nay, dường như đó không chỉ là một nhận định thuần túy mà còn là một gợi ý có thể có ý nghĩa đối với giới phân tích và các nhà đầu tư.
Chứng khoán Việt "một mình một chợ"

Gần đây, Dominic Scriven - một chuyên gia tài chính nước ngoài và cũng là một nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu ở Việt Nam, trong một cuộc hội thảo, đã nêu ra một nhận xét: "Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2012 sẽ hấp dẫn nhất khu vực". Trên bình diện chung, lời nhận xét ngắn gọn này lọt thỏm trong một rừng nhận định, dự báo của các tổ chức và chuyên gia về TTCK; và bởi đã có quá nhiều dự báo thiếu chính xác về TTCK nên có thể sẽ không có nhiều nhà đầu tư để tâm đến lời nhận định của vị chuyên gia nước ngoài trên.

Tuy nhiên, nếu xem xét sự nhận định ấy trong bối cảnh TTCK đang èo uột và đầy rủi ro như hiện nay, dường như đó không chỉ là một nhận định thuần túy về hiện trạng thị trường mà còn là một gợi ý có thể có ý nghĩa đối với giới phân tích và các nhà đầu tư chứng khoán về tương lai sắp tới.

Tại sao TTCK VN sẽ hấp dẫn nhất khu vực? Và tại sao tính hấp dẫn đó lại biểu hiện vào thời điểm năm 2012 chứ không phải ngay vào lúc này - khi thị trường VN vẫn nằm trong "vùng trũng" của chứng khoán châu Á?

Nhìn lại từ đầu tháng 5/2010 đến nay, bất chấp làn sóng tăng trưởng chứng khoán trên toàn cầu, TTCK VN vẫn "một mình một chợ" đi xuống, khiến cho tâm lý nhà đầu tư càng lúc càng hoang mang, không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong khi xét cho cùng, nền kinh tế VN chưa đến nỗi rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn. Để có cái nhìn tổng quan về câu chuyện đáng thất vọng này, chúng ta hãy cùng điểm lại cái thế "một mình một chợ" của TTCK VN trong việc so sánh với các giai đoạn phục hồi từ đáy khủng hoảng (tháng 2-3/2009) của những quốc gia có TTCK tiêu biểu trong khu vực châu Á.

Dưới đây là bảng so sánh chỉ số chứng khoán của sàn Hà Nội (HASTC) với chỉ số chứng khoán của 15 nước trong khu vực. Việc lấy chỉ số HASTC để so sánh thay cho VN-Index là do trong suốt một thời gian dài, VN-Index đã bị bóp méo và hầu như không còn phản ánh thực chất diễn biến của mặt bằng giá cổ phiếu trên sàn HOSE (chỉ số VN-Index hiện nằm trong khu vực 450-460 điểm, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu thực tế chỉ tương đương với 340-350 điểm).

Các tiêu chí được nêu ra là Tỷ lệ giá trị phục hồi cao nhất từ đáy khủng hoảng, Tỷ lệ giá trị phục hồi vào tháng 4.2011 so với đỉnh tháng 10.2007, Tỷ lệ giá trị phục hồi cao nhất so với đỉnh tháng 10.2007.

Bảng so sánh HASTC với chỉ số chứng khoán của 15 nước trong khu vực châu :


Từ bảng so sánh trên, có thể thấy trong giai đoạn phục hồi từ đáy khủng hoảng, sàn Hà Nội của chúng ta có độ phục hồi thuộc loại ấn tượng (lập đỉnh vào tháng 10/2009). Tuy nhiên từ tháng 10/2010 cho đến nay, HASTC "đỏ" nhiều hơn hẳn "xanh". Vào tháng 4/2011, HASTC vẫn bị mất đến hơn 80% so với giá trị đỉnh lập trước khủng hoảng. Trong khi đó, vào tháng 4/2011, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có giá trị phục hồi vượt trên hẳn đáy khủng hoảng. Chỉ trừ Nhật Bản và Trung Quốc còn cách đỉnh trước khủng hoảng nửa chặng đường, còn các quốc gia Úc, Hồng Kông, New Zealand và đặc biệt là Đài Loan, Singapore có chỉ số chứng khoán chỉ còn cách đỉnh trước khủng hoảng không đáng kể.

Năm 2010 cũng chứng kiến sự thần kỳ của khu vực các thị trường mới nổi so với Mỹ và châu Âu, như trường hợp TTCK các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Philippine đã tăng vượt cả đỉnh trước khủng hoảng. Riêng với Bangladesh và Mông Cổ lại là những trường hợp hoàn toàn ngoại lệ: chỉ số chứng khoán các nước này tăng như vũ bão, dường như không kể gì đến khủng hoảng kinh tế thế giới!

Dòng tiền nóng sẽ đi đâu?

Với bảng so sánh trên, hoàn toàn rõ ràng là HASTC - đại diện cho chứng khoán VN - đã bị "lép vế" trước tất cả các chỉ số chứng khoán trong khu vực châu Á. Còn nếu so sánh rộng hơn với thị trường các nước ở những châu lục khác như châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ, và ngay cả với những quốc gia suýt rơi vào khủng hoảng nợ công như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Hungary, chúng ta có thể rút ra nhận xét rằng TTCK VN giống hệt một em bé "chậm phát triển".

Nhưng trên hết, tại sao TTCK VN lại rơi vào tình trạng bi kịch không đáng có như thế? Phải chăng đã và đang có một ý đồ nào đó, của một tổ chức điều khiển thị trường nào đó (một tổ chức lớn trong nước hoặc tổ chức nước ngoài), không muốn "đánh lên" mà chỉ muốn "đánh xuống"? Trong suốt một năm rưỡi trời qua, "chính sách đánh xuống" như thế đã được minh chứng bởi hiện tượng TTCK VN suy giảm theo quá trình, có tính giai đoạn và những giai đoạn này lại được liên kết bằng tính hệ thống.


Ảnh: Việt Thanh
Nếu như việc "đánh lên" có thể dựa vào nhiều yếu tố thuyết phục, trong đó thuyết phục nhất là giá nhiều cổ phiếu đã giảm dưới giá trị thực của chúng, thì lý do của động cơ "đánh xuống" cũng có thể dựa vào một số nguồn cơn không kém thuyết phục, trong đó có việc TTCK VN đang bị áp lực đè nặng của hiện trạng nguồn cung cổ phiếu. Nếu so với thời điểm đầu năm 2007 mới chỉ có khoảng 1,3 tỷ cổ phiếu, hiện nay khối lượng cổ phiếu trên hai sàn đã tăng gấp khoảng hai chục lần! Trong khi đó, hiện số tài khoản chứng khoán đang có là khoảng 1 triệu, tức chỉ gấp 5 lần so với thời điểm đầu năm 2007. Những so sánh sơ bộ này cũng cho thấy có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung cổ phiếu và lượng tiền hấp thụ cổ phiếu.

Rất có thể sự mất cân đối trên là cơ sở luận căn bản nhất để những thế lực tạo lập thị trường không thể và cũng không muốn "đánh lên". Có thể trong cách thức tính toán của họ, mặt bằng giá cổ phiếu ở nước ta còn phải rẻ, rẻ hơn nhiều nữa thì mới đủ hấp dẫn.

Vấn đề còn lại là, nếu TTCK VN vào thời điểm này vẫn chưa hoàn toàn thể hiện được độ hấp lực của nó thì phải chăng phải đến năm 2012, tức còn phải trải qua một thời gian sụt giảm nữa, TTCK VN mới trở nên "rẻ nhất khu vực"? Liệu đến khi đó những tổ chức "cá mập" mới thật sự ra tay?

Những nhà đầu cơ lớn, chứ không phải nhà đầu cơ nhỏ lẻ, sẽ không bao giờ để mình rơi vào tình trạng tự thất nghiệp. Trong khoảng thời gian TTCK ảm đạm, dòng tiền nóng vẫn tìm được những miền đất hứa sinh sôi lời lãi. Dòng tiền nóng đó (có thể mang tính xuyên quốc gia) sẽ có thể chảy vào một TTCK nào đó trong khu vực châu Á vẫn đang còn tiềm năng tăng trưởng khá, hoặc có thể "thường trú" ngay tại VN để làm nổ tung cả thị trường bất động sản...
Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland