Ba phiên cuối tuần VN-Index liên tục thử mức hỗ trợ 440 điểm. Có vẻ như nỗ lực giữ giá tại ngưỡng này vẫn còn đủ sức khi những “cột trụ” vẫn nhận được “năng lượng” từ khối ngoại.

Vn-Index vẫn đang loanh quanh mức hỗ trợ 440 điểm

Tuần qua thị trường phản ứng tiêu cực với khá nhiều thông tin lộn xộn. Những biến động về chỉ số giá tiêu dùng và độ nóng của thị trường ngoại hối vẫn là những tác nhân chính. VN-Index chốt tuần giảm 2,9%, tương đương 13,18 điểm. Đây là mức giảm trong một tuần mạnh nhất kể từ cuối tháng 8 đến nay.

Điểm nhấn trong 5 phiên vừa qua có lẽ là hành động mua của nhà đầu tư nước ngoài. Chiến thuật của họ đã thay đổi: Về tổng thể vị thế mua ròng vẫn được duy trì sang tuần thứ 12 liên tục. Đối tượng mua vào vẫn là nhóm blue-chip vốn hóa lớn. Tuy nhiên, việc đẩy giá ở một số cổ phiếu quan trọng mang ý nghĩa “trụ” đỡ VN-Index tạo cảm giác khối ngoại đang nỗ lực làm đẹp chỉ số.

Hoạt động mua này trở nên khó hiểu vì theo tâm lý thông thường, người mua không nhất thiết phải mua một cách dứt khoát ở giá cao như vậy. Trong nhiều tuần gần đây, tâm lý thị trường không được tốt, dễ phản ứng cực đoan với các tin xấu. Thực tế thị trường đã chứng minh trong nhiều thời điểm, cung hàng trở nên ồ ạt một cách bất thường.

Từ góc độ người mua, chiến thuật mua giá thấp “đáng lẽ” phải được ưu tiên vì càng mua được rẻ thì giá vốn càng có lợi. Đa số Công ty chứng khoán thậm chí còn khuyên chỉ mua khi giá giảm hoặc đứng ngoài.

Tuy nhiên đây chỉ là chiến thuật của nhà đầu tư nội, trong khi khối ngoại lại hăm hở mua vào giá cao ở những mã giá cũng đã tăng khá. Cung hàng ở những mã lớn chủ yếu từ nhà đầu tư trong nước. Diễn biến các cổ phiếu chủ đạo như BVH nhìn chung không đổi qua nhiều phiên: Từ mức giá thấp đầu phiên được đẩy lên cao vào cuối phiên.

Khối ngoại luôn chiếm một tỉ trong giao dịch rất lớn tại các mã này. Dĩ nhiên trong bối cảnh thanh khoản quá kém, lực mua bình thường, thậm chí còn hơi yếu của khối ngoại cũng trở nên lực mua chủ đạo và tác động đến giá. Đặc biệt trong hai phiên cuối tuần qua, nếu không có lực mua của khối ngoại tại BVH, HAG, ITA, KBC, PVF, PVD thì chắc chắn những mã này không thể tăng giá.

Nhóm blue-chip là đối tượng mua chính của nhà đầu tư nước ngoài từ rất lâu. Tuy nhiên các diễn biến tăng giá gần đây của nhóm cổ phiếu này đều có dấu ấn đặc biệt của dòng vốn ngoại. Nếu trong tình trạng thị trường bình thường, việc mua ở các mức giá cao trên tham chiếu, thậm chí ở giá trần cũng không có gì đặc biệt, nhưng việc đi ngược dòng thị trường những phiên vừa qua thực sự khó hiểu. Không lẽ áp lực giải ngân từ khối ngoại lại gấp gáp đến mức như vậy?

Tính chung cả tuần, riêng tại HoSE, khối ngoại mua vào ròng 194,64 tỉ đồng, trong đó mua qua khớp lệnh là 200,2 tỉ đồng. Đây là lượng vốn ròng thấp nhất trong 8 tuần trở lại đây, nhưng lại chiếm tỉ trọng khá cao. Riêng giá trị mua vào chiếm bình quân 16% giá trị khớp lệnh sàn HoSE mỗi ngày. Tại nhóm cổ phiếu lớn, lượng mua vào ròng ở 3 mã dẫn đầu là BVH (81,14%), PVF (66,56%), KBC (56,67%). Nếu chỉ tính khối lượng mua vào, tỉ trọng này còn cao hơn. Chẳng hạn tại BVH ngày 22/10, khối ngoại mua tới 97,7% lượng khớp lệnh; tại KBC là 84,3%; tại PVF là 95,8%....

Diễn biến VN-Index tuần qua có nhiều phiên không phản ánh đúng tương quan cung cầu trên bình diện chung. Áp lực giảm giá ở đa số mã bị cân bằng lại bởi sự tăng giá của một số cổ phiếu lớn. Cả ba lần VN-Index giảm chạm vào vùng hỗ trợ 440 điểm đều bật ngược trở lại trong một diễn biến bất thường giống nhau. Chẳng hạn phiên cuối tuần, VN-Index bật ngược trở lại tới 2,89 điểm so với lúc kết thúc đợt khớp lệnh liên tục. Phiên ngày 21/10 cũng có diễn biến tương tự.

Trên phương diện kỹ thuật, nếu chỉ căn cứ vào đồ thị giao dịch lúc đóng cửa thì có vẻ như ngưỡng hỗ trợ 440 điểm đang rất “cứng”. Cả ba lần chỉ số tạo đáy trong phiên sát mức này đều phục hồi. Khối lượng sụt giảm là điều kiện tốt cho việc tăng giá trở lại. Tuy nhiên cũng cần chú ý là diễn biến tăng đó mang tính đột biến hơn là do sự chuyển biến cung cầu bình thường.

Với phiên sụt giảm mạnh ngày 20/10, có thể coi thị trường đang phản ứng với một số tin xấu mà trước mắt là khả năng tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 10. Tuy nhiên VN-Index đang khá xấu trên góc độ kỹ thuật khi những phản ứng ngược lại phiên giảm mạnh này lại tương đối yếu. Đó là chưa kể đến những phản ứng đó không bắt nguồn từ phản ứng tâm lý của người mua. Lực cầu với đa số mã yếu, trừ một số “trụ” được neo lại. Dù sao ngưỡng 440 điểm vẫn còn.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland