26/04/2022 5:42 PM
Áp lực bán tháo để cắt lỗ trên thị trường chứng khoán gần đây khi có nhiều thông tin bất lợi đã khiến chỉ số VN-Index giảm xuống dưới ngưỡng 1.300 điểm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng đã thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trở lại ngân hàng.

Thị trường chứng khoán trong nước ngày 25/4 đã có phiên giảm mạnh đi vào lịch sử, tại thời điểm thấp nhất chỉ số Vn-Index mất hơn 80 điểm. Đóng cửa phiên 25/4, chỉ số Vn-Index giảm 68,3 điểm (-4,95%) xuống mức 1.310,92 điểm.

Tuy con số thiệt hại tuyệt đối nói trên vẫn không bằng phiên giảm 73 điểm hồi cuối tháng 1 năm ngoái nhưng khốc liệt hơn do thị trường đã giảm 3 tuần liên tiếp trước đó và chỉ số Vn-Index cũng đã mất gần hơn 185 điểm trước phiên giảm mạnh ngày 25/4.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 37 mã tăng/443 mã giảm, trong khi toàn bộ rổ VN30 giảm điểm và có hơn một nửa số mã đóng cửa ở mức giá sàn. Các cổ phiếu lớn đã gây sức ép lên thị trường phiên này là: GAS ( - 6,95%), HPG ( -6,96%), BID ( -6,88%), VPB ( -6,93%), TCB ( - 6,92%),… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: BCM (+1,32%), BHN (+2,98%), SCR (+3,46%), LGC (+2,48%), FLC (+2,87%),…

Việc hàng loạt cổ phiếu giảm sàn bất chấp yếu tố cơ bản tốt hay xấu đang khiến tâm lý nhà đầu tư xuống thấp, dòng tiền sẽ thận trọng khi các nhịp bắt đáy vừa qua không thành công, theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán MB (MBS).

Nhiều người lo ngại dòng tiền có thể bị rút ra khỏi thị trường cổ phiếu đang kém hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đưa vốn trở lại sản xuất và lãi suất tiền gửi ngân hàng đang có xu hướng tăng.

Lãi suất huy động tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh tăng trong vòng 3 tháng trở lại đây, mặt bằng lãi suất được nâng lên đáng kể. Đáng chú ý, có ngân hàng công bố mức lãi suất huy động cao nhất lên tới 12,4%/năm trong tháng đầu tiên.

Trong tháng 2 vừa qua, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố biểu lãi suất huy động, theo đó ki gửi tiền tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank NEO kỳ hạn 12 tháng, khách hàng được hưởng lãi suất tháng đầu tiên lên tới 12,2 hoặc 12,4%/năm tương ứng với số tiền gửi dưới 300 triệu đồng hoặc từ 300 triệu đồng trở lên. Các tháng sau, lãi suất áp dụng lần lượt là 6,1 và 6,2%/năm.

Đối với sản phẩm tiết kiệm thường tại quầy, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng tại VPBank dao động từ 4,8-5,8%/năm thay vì từ 4,5-5,1%/năm như trước; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất tại VPBank áp dụng từ 5,6-6,1%/năm thay vì 4,8-5,4%/năm.

Sang tháng 4/2022, VPBank tiếp tục công bố biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất cao nhất lên đến 6,9%/năm, tăng 0,2%/năm so với mức cũ, dành cho khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 36 tháng.
Cùng kỳ hạn trên, nếu khách hàng gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, lãi suất cũng được hưởng tới 6,7%/năm thay vì mức cũ 6,1%/năm; số tiềm dưới 300 triệu đồng, lãi suất mới áp dụng là 6,1%/năm thay vì 5,6%/năm như trước.

Tương tự tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm online của VPBank cũng được áp dụng mức mới là 6-6,8%/năm, tăng 0,4-0,5%/năm so với hồi đầu tháng. Lãi suất kỳ hạn 11 tháng, 12 tháng, 6 tháng vẫn giữ như trước.

Trong tháng 4, Ngân hàng OCB cũng tăng lãi suất gửi tiết kiệm online đến 0,6% một năm ở kỳ hạn 6 tháng, tăng 0,5% một năm ở kỳ hạn 9 tháng và 0,2% ở kỳ hạn 12 tháng. NamABank cũng tăng thêm 0,2% cho kỳ hạn 6 tháng. MB Bank tăng mạnh nhất khi thêm 0,4% cho lãi suất tiền gửi 12 tháng, lên mức 5,5%...

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước cập nhật trong tháng 2/2022, tiền gửi cư dân tăng hơn 56.000 tỷ đồng. Mức tăng này trong tháng 1/2022 là 103.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng 159.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng và đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,46 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,01% so với cuối năm 2021.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, tiền gửi dân cư ồ ạt đổ về ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2022 chủ yếu được tác động nhờ vào việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên.

Ngoài ra, như đã nói ở trên, bên cạnh mặt bằng lãi suất huy động tăng, việc các kênh đầu tư khác chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… đang có dấu hiệu chững lại cũng khiến dòng tiền nhàn rỗi quay về hệ thống ngân hàng.

  • "Soi" lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng

    "Soi" lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng

    Nhìn chung, tháng 3/2022, lãi suất tiết kiệm tại hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần có xu hướng tăng so với thời điểm đầu năm, trong khi khối ngân hàng nhà nước không thay đổi. Thị trường vốn có những biến động kể từ đầu năm, có là dấu hiệu dự báo lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới?

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.