Không giữ được đà tăng điểm của 2 phiên giao dịch trước, thị trường chứng khoán trong ngày làm việc hôm nay (22/3) lại cắm đầu đi xuống, khi giới đầu tư tỏ ra thiếu bình tĩnh trước nhiều biến động của nền kinh tế vĩ mô. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, các nhà đầu tư nên kiên trì chờ đợi thời cơ.
Trên thế giới, thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch đêm qua đã tiếp đà đi lên thành công sau phiên khởi sắc cuối tuần trước.

Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tiếp tục tăng tới 178,01 điểm (+1,5%) lên 12.036,53 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 19,18 điểm (+1,5%) lên 1.298,38 điểm và chỉ số Nasdaq cũng tăng 48,42 điểm (+1,83%) lên 2.692,09 điểm.

Cùng chiều với thị trường Mỹ, khu vực chứng khoán châu Âu cũng đã đi lên thành công khi ngày làm việc kết thúc. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,19% lên 5.786,09 điểm, chỉ số DAX của Đức cộng 2,28% lên 6.816,12 điểm và chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tăng thêm 2,47% lên 3.904,45 điểm.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á mở phiên sáng nay cũng đã tăng điểm khá mạnh, do nỗi lo về nguy cơ hạt nhân tại Nhật Bản đã dịu bớt.

Trong nước, chịu tác động từ diễn biến tăng giá xăng, đầu, tăng giá điện, điều chỉnh tỷ giá…, CPI tháng 3 của 2 tại TP.HCM và Hà Nội đã tăng khá bất thường. Cùng với đó, trong phiên họp ngày hôm qua, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và chính sách tài khóa thắt chặt… Tất cả những động thái này làm giới đầu tư lo ngại sẽ một lần nữa lại tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán.

Trên sàn TP.HCM, mở cửa phiên giao dịch thị trường đã tiếp đà đi lên sau nhiều nỗ lực của những phiên trước đó. Tuy nhiên, sức cầu trên sàn đã bị lắng xuống, giao dịch diễn ra thận trọng. Chỉ số Vn-Index tiếp tục duy trì đà đi lên nhẹ, khi một vài cổ phiếu trong nhóm bluechips giữ được sắc xanh.

Kết thúc đợt giao dịch thứ nhất, chỉ số Vn-Index đã đang đứng tại 470,22 điểm, tăng nhẹ 1,97 điểm, tương đương 0,42%. Khối lượng giao dịch đạt 1,4 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 31,55 tỷ đồng.

Chỉ số Vn-Index tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ khi thị trường bước sang đợt khớp lệnh liên tục. Giao dịch diễn ra ảm đạm, các mã tham gia trên sàn liên tục thay đổi xanh đỏ thất thường. Đặc biệt, hàng loạt cổ phiếu trụ cột trên sàn đã quay về mức tham chiếu và giảm đỏ, động thái này đã lập tức kéo chỉ số Vn-Index nhanh chóng đi xuống khi thị trường đóng cửa.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số Vn-Index đứng tại mức 464,8 điểm, giảm 3,45 điểm, tương đương 0,74 %. Khối lượng giao dịch đạt 37,1 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 837,19 tỷ đồng. Toàn thị trường chỉ có 56 mã tăng điểm, 53 mã đứng giá, 178 mã giảm giá.

Cùng xu hướng, trên sàn Hà Nội, thị trường đã diễn ra trong sắc đỏ ngay từ những phút đầu mở cửa. Giao dịch diễn ra giằng co, chỉ số HNX-Index liên tục đi xuống khi các cổ phiếu lớn nhỏ trên sàn bị bao chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên, chỉ số HNX-Index đứng tại mốc 93,17 điểm, giảm 1,67 điểm, tương đương 1,76 %. Khối lượng giao dịch đạt 37,4 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 604,34 tỷ đồng. Toàn thị trường chỉ có 72 mã tăng điểm, 39 mã đứng giá và có tới 221 mã giảm giá.

Theo nhận định của công ty chứng khoán FPTS, chỉ số HNX-Index chính thức điều chỉnh nhẹ cuối phiên sau 3 phiên tăng điểm, đã cho thấy tâm lý lướt sóng siêu ngắn hạn đang khá phổ biến. Dự báo, chiến thuật giao dịch đó sẽ còn phát huy tác dụng trong những phiên giao dịch tới và khả năng giảm điểm của HNX-Index vẫn tiếp diến.
Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland