Chứng khoán đang trải qua thời kỳ ảm đạm. Kỳ vọng 500 điểm của VN Index chưa tìm thấy những nguồn lực hỗ trợ mới, mà đang trông chờ chính vào những tín hiệu từ chính sách tiền tệ. Cụ thể, đó là sự thay đổi lãi suất và sự ổn định hơn trong chính sách tỷ giá cuối năm.
Trông đợi lãi suất 12%

Những tháng gần đây, cứ đến cuối tháng, lại xuất hiện những đồn đoán về việc sẽ hạ lãi suất cơ bản làm tiền đề cho việc hạ lãi suất cho vay. Mỗi lần như thế, thị trường chứng khoán lại rất kỳ vọng đến mức chính Ngân hàng Nhà nước phải ra những cảnh báo là không có bất cứ sự thay đổi nào.

Và lãi suất cơ bản vẫn tiếp tục giữ nguyên như chặn mọi hy vọng của các nhà đầu tư. Rõ ràng, diễn biến tâm lý này phần nào đã cho thấy, lãi suất đang là yếu tố chi phối lớn nhất đề thị trường những tháng cuối năm.

Trong những nhận định mới đây về kỳ vọng thị trường chứng khoán thời gian tới, các công ty chứng khoán đều đặt lãi suất là yếu tố quan trọng nhất trong các nhân tố quan trọng nâng thị trường đi lên. Hy vọng lớn nhất là lãi suất sẽ được hạ xuống 12%, khi đó, các DN sản xuất sẽ được tiếp sức để đi lên, thị trường tiền tệ bình ổn thì sẽ tác động đến chứng khoán.

Đại diện Công ty chứng khoán Tân Việt phân tích, về phía các ngân hàng đang gặp nhiều rào cản như chuẩn bị thực hiện Thông tư 13 với các quy định làm co rút nguồn tiền cho vay khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất xuống.


Lãi suất đè năng chi phí lên các DN. (Ảnh: VNN)

Trong khi đó, theo nhân định từ Chứng khoán SME thì, tăng trưởng tín dụng USD đang chậm lại và khó có khả năng tăng lên. Những số liệu đến cuối tháng 8 cho thấy, tăng trưởng tín dụng VND vẫn còn khá thấp. Tổng tăng trưởng tín dụng cuối tháng 8 mới chỉ 16,7% so với mức 25% cả năm.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế thì phải tăng cung tiền ra, mà chủ yếu hiện nay là thông qua tăng cho tín dụng VND.

Tuy nhiên, với lãi suất hiện nay thì thật khó cho các DN tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ. Còn các ngân hàng khó chủ động giảm lãi suất vì còn vướng các quy định của Thông tư 13, hy vọng nhất là nguồn vốn giá rẻ trên thị trường mở.

Đại diện Công ty chứng khoán Thăng Long nhấn mạnh, lãi suất cao đang cản trở hoạt động đầu tư và tiêu dùng của khu vực tư nhân. Mặt khác, lãi suất cao có thể tạo rủi ro cho thị trường ngoại hối khi DN tiếp tục lựa chọn các khoản vay bằng USD để tận dụng mức chênh lệch lãi suất. Nếu lãi suất không giảm, sẽ rất khó cho nền kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn. Điều này sẽ gây khó cho thị trường chứng khoán.

Để hạ mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cần các động thái mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các ngân hàng thông qua thị trường mở. Khi lãi suất cho vay trung - dài hạn luôn ở mức cao từ 13,5% đến 15,5% thì sản xuất công nghiệp sụt giảm trong khi nhu cầu hàng nhập khẩu gia tăng, thâm hụt thương mại lớn hơn, tăng trưởng giảm, nội tệ giảm giá và lạm phát tăng.

Hiện nay, lạm phát đang ở mức thấp là điều kiện để thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất để DN tiếp nhận vốn dễ dàng hơn. Nói chung, vấn đề thị trường trông chờ nhất là giảm lãi suất. Đây là yếu tố rất được mong đợi nhưng với tình hình hiện nay thì rất có thể, lãi suất sẽ khó giảm và điều đó sẽ là rủi ro cho thị trường chứng khoán.

Tỷ giá tăng: nhiều DN báo lỗ

Rất nhiều DN đã thực hiện vay vốn, tính toán xuất nhập khẩu với giá tỷ giá trước đây, nhưng với điều chỉnh tỷ giá gần đây, tỷ giá tăng lên 21,% khiến cho họ phải chi phí thêm. Nếu tỷ giá tiếp tục biến động thì các DN lại tiếp tục đối mặt với những chi phí tăng thêm hàng tỷ đồng và khiến họ có thể thua lỗ.

Hàng loạt văn bản giải trình gần đây của các DN cho thấy, đã có nhiều trường hợp bị lỗ do tăng tỷ giá từ vài trăm triệu đồng, có khi đến cả trăm tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá được ghi nhận chủ yếu từ các khoản vay ngoại tệ, ngay cả với những khoản vay ngắn hạn. Tình hình này sẽ còn xuất hiện nhiều hơn khi DN đi tiếp những tháng cuối năm với tỷ giá biến động tăng lên.


Niềm tin thị trường đặt vào sự ổn định của tỷ giá. (Ảnh: VNN)

Mới đây, một loạt công bố kết quả kinh doanh của các DN trong 6 tháng đầu năm cũng tiếp tục thể hiện rủi ro tỷ giá. Mặc dù đã trải qua những tháng khá ổn định tỷ giá trong những tháng đầu năm nhưng các DN vẫn bị không ít ảnh hưởng.

Điều này càng lo ngại hơn cho các DN khi tỷ giá điều chỉnh tăng lên vào cuối năm sẽ khiến DN đối mặt với nhiều khó khăn và thua lỗ tiếp nữa.

Thực tế hơn khi thời gian qua, các DN gia tăng vay nợ USD do tỷ giá ổn định và chênh lệch lãi suất VND và USD đến 7- 8%. Tuy nhiên, khi tỷ giá tăng lên, thì khoản vay USD khi đến thời điểm trả, chi phí tính theo VND lại tăng lên đáng kể.

Điều lo ngại hơn là với tình hình căng thẳng hiện nay, không ai có thể đảm bảo chắc không thể có thêm bất cứ lần điều chỉnh cuối cùng của năm 2010. Những biến động đó của tỷ giá sẽ tiếp tục gây khó khăn đối với những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, khiến cho chứng khoán khó lên điểm

Vì thế, các chuyên gia chứng khoán Tân Việt cho rằng, tỷ giá ổn định, chứng khoán sẽ tăng điểm. Nếu ổn định được thị trường ngoại hối và tỷ giá, TTCK lạc quan nếu không vẫn chỉ lình xình dưới mức 500 điểm.

Trao đổi mới đây với báo chí, TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế tài chính, cũng cho rằng, vấn đề chính từ nay đến cuối năm là bất ổn về tài chính do vấn đề tỷ giá. Thị trường đang cảm nhận những bất ổn liên quan đến tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế cuối năm.

Cả hai yếu tố lãi suất và tỷ giá đang đặt các DN giữa nhiều thế kẹt. Tuy nhiên, điều khó là không DN nào có thể chủ động hay dự báo trước được vấn đề này. Đó vẫn là những rủi ro lớn cho DN và khi DN khó khăn, kinh tế khó khăn thì chứng khoán khó lên điểm.

Đã có nhiều dự báo nhưng lạc quan ít và kém lạc quan. Chính vì thế, 500 -520 điểm khi chứng khoán kết thúc năm 2010 là mong đợi lớn. Nhưng tất cả điều đó lại ngóng chờ vào những chính sách tiền tệ.

Cafeland.vn - Theo Lê Khắc (VNR500)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland