28/08/2019 8:01 PM
Lô E chung cư 518 đường Võ Văn Kiệt, TP.HCM vừa được Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM ban hành quyết định phá dỡ khẩn cấp chỉ là một trong hàng trăm chung cư cũ nát có nguy cơ sập bất cứ lúc nào tại TP.HCM.

Ý tưởng gom các hộ dân từ các chung cư cũ về tái định cư một mối được nhiều chuyên gia đánh giá cao

Giọt nước tràn ly

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, yêu cầu phá dỡ khẩn cấp lô E chung cư 518 đường Võ Văn Kiệt là giải pháp khẩn cấp để đảm bảo tính mạng con người và những công trình lân cận, tránh diễn biến bất lợi, không thể lường trước. Và điều đáng nói là không chỉ chung cư 518 Võ Văn Kiệt, trên địa bàn TP.HCM còn có hàng trăm chung cư cũ nát được xây dựng từ giai đoạn trước giải phóng có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Nếu chưa từng bước chân vào chung cư 155 - 157 Bùi Viện nằm trên con đường sầm uất giữa trung tâm quận 1 - phố đi bộ Bùi Viện, ít ai có thể nghĩ rằng, ở một nơi sang trọng, sầm uất như vậy lại tồn tại một khu nhà ở nhếch nhác và nhiều người ở độ tuổi “cổ lai hy” vẫn cố bám víu vào những dãy nhà chờ sập, bởi họ cho rằng chính sách hỗ trợ và tái định cư chưa thỏa đáng.

Có mặt tại chung cư này vào cuối tuần qua, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản mới hiểu hết những nguy hiểm mà người dân ở đây đang ngày ngày trải qua. Nhìn bề ngoài, toàn chung cư như một khối bê tông xập xệ, tù đọng. Phía trong chung cư, nhiều mảng tường cũ nát đã bị bong tróc, rỉ nước, rêu bám thành mảng loang lổ, trên các trần tường, dọc hành lang dây điện, dây cáp chằng chịt khắp nơi. Cột nhà thì nứt, trụ sắt đỡ hoen gỉ, bờ tường, trần nhà bị nứt toác cả vệt dài được người dân trám tạm bợ bằng xi măng.

Nguy hiểm là vậy, nhưng hàng trăm cư dân ở đây vẫn đang cố gắng bám trụ, bởi theo họ, chính sách đền bù chưa thỏa đáng, đặc biệt tất cả đều chung một nỗi lo nếu ra đi sẽ không biết khi nào mới được trở về.

Ông Hợi, một cư dân sống tại tầng 3 chung cư 155 - 157 Bùi Viện cho biết, gia đình ông chưa thể dời đi là vì nơi tạm cư ở tận xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) quá xa trung tâm.

Nhiều người dân vẫn cố bám trụ ở những chung cư “chờ sập”

"Hai vợ chồng tôi không có việc làm ổn định, tôi làm bảo vệ, còn vợ thì làm lao công thu nhập bấp bênh, chuyển về đó rồi vợ chồng tôi biết làm gì để sống", ông Hợi trải lòng.

Còn ông Đức, ở tầng 6 cũng chia sẻ, là cựu chiến binh và có khoảng thời gian hơn 40 năm gắn bó với “ngôi nhà chung” này, vì vậy kế hoạch di dời, giải tỏa khiến cuộc sống của ông gặp khó khăn.

"Biết là ở lại nguy hiểm, chúng tôi đồng tình chuyển đi, nhưng mong chính quyền hãy xem xét lại, phải bố trí nơi tạm cư phù hợp và đền bù thoả đáng cho chúng tôi", ông Đức nói.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra hàng chục năm nay tại chung cư Vĩnh Hội (quận 4). Không chỉ xuống cấp trầm trọng với tường nhà chằng chịt các vết nứt ngang dọc, nước bị thấm đen từng mảng tường, mà nguồn điện cũng không ổn định, đứt, chập thường xuyên.

Tiếp chúng tôi trong một căn hộ cũ nát, bà Mai Thị Thúy (80 tuổi) cho biết, gia đình bà ở đây từ lúc chung cư mới được xây xong, căn hộ cũng đã che nắng, che mưa cho 3 thế hệ gia đình.

“Hiện chung cư đã xuống cấp, nhưng vì không có tiền nên muốn chuyển cũng không chuyển được, biết là nguy hiểm nhưng chấp nhận sống qua ngày”, bà Thúy nói và thông tin thêm, vừa rồi UBND quận 4 có thông báo sẽ tổ chức họp dân để bàn phương án đền bù, di dời, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy rục rịch gì.

Nằm ở vị trí đắc địa tại quận 4, ngoài việc đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng của chung cư, những cư dân sống ở đây lại có nỗi khổ khá đặc trưng. Khuôn viên của chung cư là chợ dân sinh nên nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân phải luôn sống chung với ô nhiễm.

“Ngay tại tầng một chung cư, người ta thuê làm cửa hàng bán thực phẩm tươi sống như gà, vịt, thịt lợn, thịt bò, hải sản... Nhiều loại rau củ bị chất đống ở dưới, vào ngày nắng mùi hôi bốc lên hôi thối, cộng với ruồi muỗi, làm cho môi trường sống của cư dân quanh chợ ngột ngạt và ô nhiễm nặng”, bà Hương, một cư dân của chung cư bức xúc.

Đã có hướng ra mới

Chung cư 155 - 157 Bùi Viện hay chung cư Vĩnh Hội trên thực tế mới chỉ là một số ít được nêu ra về tình trạng chung cư cũ đang ngày càng xuống cấp và báo động đỏ về sự mất an toàn. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện toàn Thành phố có hơn 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 15 chung cư cấp D (xuống cấp nghiêm trọng), không đáp ứng khả năng chịu lực để sử dụng bình thường.

Qua hàng chục năm, rất nhiều chung cư không biết sẽ sập xuống lúc nào như chung cư 119B đường Tân Hòa Đông, chung cư 756 Bến Bình Đông, Cư xá Thanh Đa... Các khu chung cư này là đều đã quá niên hạn sử dụng, thậm chí lún nghiêng, nứt vỡ bê tông ở mức độ lớn như trường hợp chung cư 518 Võ Văn Kiệt mà Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị phải tháo dỡ khẩn cấp.

Cụ thể, theo đánh giá của Sở Xây dựng, lô E chung cư này đã ở mức độ nguy hiểm. Độ nghiêng công trình (45 cm) đã vượt quá giới hạn cho phép, khó có thể đảm bảo an toàn cho tính mạng con người và các công trình lân cận như Trường tiểu học Chương Dương, các chung cư lô A... Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị lãnh đạo TP.HCM cho phá dỡ khẩn cấp công trình và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để xây mới chung cư này.

Thực tế, để sớm giải được bài toán cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, TP.HCM cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ, tạm cư cho các cư dân. Trong đó, ý tưởng dồn các hộ tái định cư vào một chung cư, những quỹ đất còn lại dành cho nhà đầu tư đã được lãnh đạo Thành phố đưa ra. Đây được xem là ý tưởng táo bạo và mới mẻ của TP.HCM trong cải tạo đô thị. Trong đó, quận 3 là địa phương được lựa chọn thí điểm cho ý tưởng này.

Theo lãnh đạo UBND quận 3, với những chung cư diện tích nhỏ, trên dưới 1.000 m2 có số lượng hộ dân lớn, vị trí không thuận lợi, rất khó mời gọi đầu tư. Để khắc phục tình trạng này, quận đã xin ý kiến Thành phố về việc gắn liền 9 chung cư cũ với dự án xây dựng Khu dân cư - Trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ, chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ đất ở sang chức năng thương mại - dịch vụ - văn phòng - khách sạn với các chỉ tiêu quy hoạch theo chương trình cải tạo sửa chữa chung cư cũ.

UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất này. Đối với các chung cư nhỏ còn lại, quận 3 cũng có phương án gắn liền với dự án Khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật theo phương thức như trên.

Qua khảo sát sơ bộ tại các chung cư cũ trên địa bàn quận, phần lớn người dân muốn xây mới để có chỗ ở mới tốt hơn. Tuy nhiên, theo quy định, nếu không phải chung cư xuống cấp loại D thì buộc phải có 100% chủ sở hữu đồng ý mới được tháo dỡ, xây mới. Điều này hết sức khó khăn cho nhà đầu tư và cả chính quyền.

Ông Đỗ Minh Long, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3 cho biết, cách làm này sẽ giải quyết được vấn đề lấn cấn về tái định cư và kêu gọi đầu tư chung cư mới.

“Khi quận 3 gom 9 chung cư cũ về khu dân cư Trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ thì các mục tiêu đặt ra như người dân được tái định cư tại chỗ (trong cùng quận) sẽ sớm ổn định cuộc sống, nhà đầu tư nhận được nhiều giá trị hơn từ một công trình đủ lớn và họ sẽ hứng thú nhập cuộc. Đây là cách làm được đánh giá sẽ giúp hài hòa lợi ích nhà nước - nhà đầu tư - cư dân”, ông Long nói.

Ủng hộ ý tưởng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, tâm lý chung của người dân đều mong muốn được tái định cư tại chỗ hoặc cùng địa bàn quận. Nếu xử lý được vấn đề này, có thể kỳ vọng bài toán cải tạo chung cư cũ vốn nan giải hàng chục năm nay sẽ có lời giải.

Trọng Tín (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.