Anh Việt (30 tuổi, Huế) cho biết đang cảm thấy hối tiếc vì đã quyết định bỏ số tiền tích góp hơn chục năm để mua một ngôi nhà nằm sâu trong ngõ.

Vì không thích ở chung cư, nên sau 10 năm làm việc tại TP.HCM tiết kiệm được 700 triệu đồng, anh Việt quyết định mua nhà đất.

Để có được số tiền này, anh Việt và vợ là chị Mai phải làm việc vất vả và thắt chặt chi tiêu. Mỗi tháng, lương hai anh chị cộng lại khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt anh chị cũng tiết kiệm được 5-7 triệu đồng/tháng.

Nếu vay tiền để mua chung cư thì một thời gian nữa xuống cấp, bán không được giá. Còn mua nhà mặt đất với số tiền này thì chỉ mua được nhà xa trung tâm, nằm trong ngõ sâu và diện tích hẹp, nhưng đổi lại sẽ được sở hữu đất và có tiềm năng trong tương lai.

Bàn bạc xong, vợ chồng anh Việt chốt phương án thứ 2. Như vậy, nếu để mua chung cư hay nhà đất, anh Việt cần ít nhất 600-700 triệu đồng nữa.

Vay thêm người thân, bạn bè được khoảng 300 triệu đồng, anh Việt lăn lội đi tìm nhà. Cuối cùng, sau hơn một tháng, anh cũng tìm được một miếng đất rộng 25m2 có nhà cấp 4 xây sẵn với giá 1,3 tỉ đồng tại Ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Gặp đủ mọi rắc rối khi mua nhà trong ngõ. Ảnh minh họa.

Căn nhà nằm ở cuối ngõ có không gian yên tĩnh, thoải mái, không bị ảnh hưởng bởi bụi và tiếng ồn cũng không phải lo lắng bị người khác làm phiền, có thể tận dụng được khoảng không trước nhà để trồng rau, để xe. Tuy nhiên, ở một thời gian gia đình anh phải hứng chịu đủ mọi rắc rối.

Vì là ngôi nhà cấp 4 đã được xây dựng từ lâu, lại nằm trong ngõ sâu và hơi trũng so với các căn ở đầu ngõ nên lượng nước mưa, thậm chí cả nước thải đều chảy xuống nhà anh Việt và tạo thành vũng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, ruồi muỗi. Hơn nữa nhà lại ẩm thấp, khiến con trai anh liên tục ốm và còi cọc.

Cũng vì nhà sâu trong ngõ nên mỗi khi gặp chuyện gì phải đi xe taxi, vợ chồng anh Việt phải mất khá nhiều thời gian để đi ra bộ ra bắt xe. Nhất là vào giờ tan tầm mọi người đi làm về, anh phải đứng đợi cả tiếng đồng hồ mới “lết” được về nhà.

Chị Mai kể, có ngày khu phố bị mất điện, mất nước. Cả xóm kéo nhau đi xách nước, nhà chị ở cuối ngõ nên vất vả hơn.

Theo dự tính ban đầu, sau khi mua nhà anh chị dành một ít tiền để sửa sang lại, nhưng vì anh Việt phát hiện ra chính cái sân sau nhà bên dưới nó là đường nước thải của dãy khu tập thể, nên không thể làm gì được.

Cuối cùng, sau một năm, vợ chồng anh Việt quyết định bán căn nhà đi, tiết kiệm thêm và mua một nơi tốt hơn.

Nghĩ lại về quyết định này, anh Việt hối hận vì lẽ ra với số tiền đó, anh chị có thể mua một căn hộ chung cư với đầy đủ dịch vụ và an ninh tốt hơn. Từ kinh nghiệm của mình, anh Việt cho rằng khi nào có trong 3-4 tỉ đồng hãy tính đến chuyện mua nhà phố.

Lưu ý khi mua nhà trong ngõ

Từ câu chuyện của vợ chồng anh Việt và chị Mai, khi lựa chọn mua một căn nhà trong ngõ người mua cần phải cân nhắc kỹ 3 lưu ý sau trước khi quyết định xuống tiền.

Nhà trong ngõ quá nhỏ sẽ khiến tình hình di chuyển khó khăn. Ảnh minh họa.

Xem pháp lý ngôi nhà

Rủi ro pháp lý luôn tiềm ẩn trong mỗi căn nhà, nhất lại là căn nhà nằm sâu trong ngõ. Để biết nhà không nằm diện quy hoạch, bạn cần bỏ công sức lên công an phường, địa chính phường để tìm hiểu quy hoạch, hoặc dò hỏi chính những người dân quanh khu đó.

Bạn cũng cần phải gặp được chủ nhà và trực tiếp xem sổ đỏ của căn nhà đó. Nếu nhà nhiều tầng nhưng trong sổ đỏ chỉ nêu đất thì bạn cần xác minh có phải nhà xây không phép hay không. Nếu căn nhà xây không phép, sau này nhà nước có thu hồi thì chỉ được tính giá trị đất để đền bù, bạn hãy lập luận để đòi giảm giá.

Trong trường hợp, nếu diện tích thực căn nhà là 30m2 nhưng trong sổ đỏ chỉ 27m2 thì chứng tỏ chủ nhà cũ đã lấn chiếm 3m2, vậy bạn có thể thương lượng chỉ tính tiền mua phần có trong sổ đỏ. Còn trong trường hợp nếu bạn mua nhà cấp 4, diện tích nhỏ hơn 30m2, thì hãy yêu cầu chủ nhà xin giấy phép xây dựng cho căn nhà, thường thì chủ nhà phải mất một khoản kha khá để làm việc trên. Sau khi hoàn thành bạn mới nên đặt cọc tiền mua.

Tránh mua nhà ở những ngõ quá nhỏ

Hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM, có hàng chục nghìn con hẻm nhỏ hơn cả chiều rộng tối thiểu 3,5m, thậm chí nhiều con hẻm lòng đường chỉ vừa một xe gắn máy đi lọt. Nhà hẻm càng nhỏ thì di chuyển càng vất vả, đó là chưa kể thanh khoản nhà trong hẻm cụt kém hơn những căn nhà hẻm to. Bên cạnh đó, nhà hẻm nhỏ khi xây dựng, sửa chữa nhà thường bị đội chi phí rất nhiều so với những vị trí khác do không có chỗ chứa vật tư, vận chuyển vật liệu nhiều lần bị hao hụt, mất thời gian, tốn thêm chi phí nhân công.

Khi quyết định mua nhà trong ngõ bạn cũng cần phải lường trước được quy luật hẻm càng nhỏ, giá trị căn nhà càng bị giảm sút so với tài sản ở vị trí khác có cùng giá trị. Khi cần tiền, bán nhà trong hẻm nhỏ thường bị ép giá, gặp rất nhiều trở ngại trong việc thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng do bị định giá quá thấp.

Không mua nhà cuối ngõ

Khi chọn mua nhà trong ngõ, bạn cũng cần lưu ý cần tránh những căn nhà nằm ở cuối ngõ. Nhà ngõ cụt sẽ tận dụng được lợi thế về giá và khu vực trước nhà làm cổng riêng và không bị ai làm phiền. Tuy nhiên, nhà cuối hẻm chịu rất nhiều hạn chế về kiến trúc, nó không thể xây đẹp như các vị trí khác. Nhà cuối hẻm thường bố trí rất khó khăn, việc xắp đặt hệ thống thông gió và chiếu sáng tự nhiên cho ngôi nhà là rất khó.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.