16/09/2023 9:49 AM
Ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) được Thủ tướng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định 1069 bổ nhiệm ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem, giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông Bùi Xuân Dũng vừa được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng

Ông Bùi Xuân Dũng sinh năm 1972, quê quán Nghệ An, có trình độ kỹ sư xây dựng dân dụng, thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Theo Bộ Xây dựng, ông Bùi Xuân Dũng là cán bộ được đào tạo bài bản, trưởng thành từ thực tiễn, có kinh nghiệm, trải qua nhiều vị trí khác nhau.

Trước khi đảm nhận chức thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Dũng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác trong ngành xây dựng.

Trong đó, từ năm 1995 2021, ông công tác tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp). Thời gian làm việc tại đây, ông Dũng đảm nhiệm vị trí như quyền tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội từ năm 2013-2014.

Từ năm 2014-2021, ông Dũng làm bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Hancorp.

Từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2022, ông làm cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.

Tháng 10/2022, Bộ Xây dựng có quyết định điều động ông Bùi Xuân Dũng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem.

Như vậy, Bộ Xây dựng hiện có 4 Thứ trưởng là ông Nguyễn Văn Sinh, ông Nguyễn Tường Văn, ông Bùi Hồng Minh và ông Bùi Xuân Dũng. Bộ trưởng Xây dựng là ông Nguyễn Thanh Nghị.

Về kết quả kinh doanh của Vicem, trong giai đoạn tháng 10/2022 đến tháng 9/2023 (kể từ khi ông Bùi Xuân Dũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem), hoạt động sản xuất kinh doanh của Vicem có nhiều điểm đáng chú ý.

Hiện tại, Vicem đang đứng trước khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu Xi măng và clinker suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò.

5 tháng đầu năm, tổng sản phẩm chính tiêu thụ của doanh nghiệp này đạt 9,7 triệu tấn với tổng doanh thu 13.701 tỷ đồng

Lãnh đạo Vicem cho biết, hiện công suất thiết kế của các nhà máy xi măng ở Việt Nam lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, dư thừa gần một nửa. Hiện tồn kho clinker rất lớn, phải đổ ra các bãi ngoài trời, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do lĩnh vực bất động sản đóng băng, cả nước không có dự án lớn nào khởi công hay xây dựng; Trung Quốc không nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Trong khí đó, giá điện, than, vật tư, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng đều tăng đáng kể làm cho Vicem như đứng ngồi trên đống lửa.

Xác định những tháng cuối năm 2023, tình hình thị trường xi măng trong và ngoài nước còn nhiều biến động, Vicem đã đề ra hàng loạt giải pháp để duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống và thu nhập cho người lao động.

Theo đó, Vicem sẽ chú trọng công tác duy tu, bảo trì sản xuất ổn định; thực hiện tiết giảm chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để nâng cao sản xuất kinh doanh. Đồng thời, bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa khối sản xuất và tiêu thụ để rà soát, xây dựng các kịch bản và linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát diễn biến thị trường tiêu thụ, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào để có các giải pháp xây dựng giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt theo từng chủng loại, địa bàn, thị trường.

Cùng với đó, đa dạng sản phẩm xi măng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của khách hàng, của các thị trường; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.